Đặc biệt, đã quản lý, khai thác hiệu quả các dự án đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng cơ bản, thương mại-dịch vụ. Riêng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã thực hiện đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, công nghệ và nhân rộng các mô hình sản xuất mới.
Một góc Trung tâm huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Miên
Với điều kiện khí hậu khá thuận lợi, lại có diện tích đất canh tác nông nghiệp hàng năm gần 26.000 ha, vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn được xác định trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Điều này thể hiện rõ khi NQ Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2010-2015 nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất các loại cây trồng, chú trọng tạo thương hiệu nho Ninh Phước và tập trung xây dựng mô hình nông thôn mới. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, Ninh Phước đã tận dụng điều kiện vốn có, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ngày càng tăng về quy mô, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản trên thị trường. Ở lĩnh vực canh tác lúa, Ninh Phước đã tăng diện tích từ 10 ha vào năm 2010 lên trên 3.900 ha thực hiện mô hình sản xuất “1 phải, 5 giảm”. Cùng với sản xuất lúa giống xác nhận tại các xã Phước Thái và Phước Hậu, đã phát triển vùng chuyên canh bắp lai, bắp giống ở Phước Sơn, Phước Vinh với quy mô trên 505 ha. Ngoài ra còn có mô hình sản xuất rau an toàn trên 440 ha, mô hình trồng trọt theo hướng VietGAP trên cây táo, cây nho góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các mô hình sản xuất chế biến nho, táo, rau sạch, nhất là sản phẩm rượu vang nho, mật nho, nho sấy khô đã hình thành và phát triển, từng bước tạo thương hiệu, uy tín trên thị trường, kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đang tiếp tục nhân rộng, đơn cử các mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo; nuôi heo tập trung quy mô từ 600-2.000 con/trại, mô hình trang trại gà đẻ trứng với năng suất 100.000 trứng/ngày. Về thủy sản, đã tổ chức quy hoạch lại vùng nuôi hợp lý, đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thành khu vực nuôi tôm thương phẩm trên cát; đáng nói là đã đưa Ninh Phước trở thành vùng trọng điểm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, với 72 cơ sở tôm giống đang hoạt động, năm 2014 xuất bán trên 10,8 tỷ con Post.15, tăng 1,5 lần so với năm 2010, vượt chỉ tiêu kế hoạch 1 tỷ con. Nhiều công trình, dự án hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ phát triển được quan tâm đầu tư; trong 5 năm đã hoàn thành 147 công trình, trong đó có các công trình quan trọng như: Bê-tông 221,5 km kênh mương, xây dựng và đưa vào sử dụng hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bàu Zôn phục vụ nước tưới cho các xã Phước Vinh, Phước Hữu, Phước Thái, nâng diện tích đất sản xuất chủ động nước lên 5.041 ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào giữa nhiệm kỳ, Huyện ủy Ninh Phước đã xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu trong NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 cho phù hợp, theo đó đến năm 2015 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 17%, trong đó giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản tăng 17,42%, giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ tăng lên 18,74%. Nhìn tổng thể bức tranh phát triển, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16,4%, tăng trưởng ngành nông nghiệp 13,51%, thương mại-dịch vụ tăng 15,94%, tuy bối cảnh biến động mới nên chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng có thể thấy rõ Ninh Phước đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng theo tinh thần NQ Đại hội Đảng bộ huyện. Đặc biệt đã đạt mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân đầu người lên 23,9 triệu đồng (mục tiêu NQ là 21 triệu đồng), gấp 2,7 lần so với năm 2010, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,46%/năm. Cùng với thành tựu nông nghiệp, đến nay Ninh Phước có trên 1.570 cơ sở hoạt động thương mại, dịch vụ; đặc biệt các làng nghề Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ được tập trung đầu tư nâng cấp, đẩy mạnh xúc tiến thị trường, kết hợp với phát triển du lịch nên tăng nhanh về quy mô và chất lượng sản phẩm.
Để tạo ra sự đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ninh Phước xác định mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 1,78 lần, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,86 lần so với năm 2015. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và xây dựng thành công nông thôn mới. Theo đó, Ninh Phước đề ra giải pháp tập trung lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH; nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ lao động lành nghề, nhanh chóng tiếp thu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.
DỰ KIẾN MỘT SỐ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020 CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN NINH PHƯỚC• Kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành bình quân hàng năm đạt 12,28%. Trong đó tăng trưởng ngành nông-ngư-lâm nghiệp bình quân hàng năm đạt 10,49%; công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 12,80%; thương mại-dịch vụ đạt 14,50%.
- Thu ngân sách nhà nước đạt 39 tỷ đồng.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng/năm.
• Văn hóa - xã hội
- Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm 2.800 lao động.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%.
- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%.
• Xây dựng Đảng
- Hàng năm có 90% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có trên 50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Kết nạp 450 đảng viên mới.
MỘT SỐ THÀNH TỰU VỀ KINH TẾ- XÃ HỘI CỦA NINH PHƯỚC:
Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là chủ trương lớn của huyện Ninh Phước thực hiện nhiều năm qua,
nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả thu nhập cho nông hộ.
Trong ảnh : Nông dân xã Phước Hữu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.
Nông dân xã Phước Thuận phát triển diện tích trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP,
mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Ninh Phước luôn quan tâm đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống,
nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm.
Trong ảnh: Nghệ nhân làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (Thị trấn Phước Dân).
Trung tâm sản xuất tôm giống An Hải, phấn đấu đến năm 2020,
sản lượng tôm giống đạt 21,3 tỷ con post, giá trị sản xuất đạt 936 tỷ đồng.
Trong ảnh: Kỹ thuật viên Công ty TNHH Giống thủy sản Uni-President Việt Nam kiểm tra chất lượng con giống.
Trong nhiệm kỳ qua, huyện Ninh Phước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục,
đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân.
Trong ảnh: Trường TH Chất Thường (Phước Hậu) vừa được hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học 2014-2015.
NHỮNG Ý KIẾN TÂM HUYẾT HƯỚNG VỀ ĐẠI HỘI
Đồng chí Phạm Văn Hậu,
Bí thư Huyện ủy Ninh Phước:Trong phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, Ninh Phước sẽ phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Huy động tối đa mọi nguồn lực, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên để đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tôi tin rằng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ, trí tuệ, Đại hội lần này sẽ đánh giá, kiểm điểm khách quan, toàn diện những ưu, khuyết điểm, phân tích làm rõ những nguyên nhân hạn chế, yếu kém; rút ra những bài học kinh nghiệm thực tiễn qua 5 năm thực hiện NQ Đại hội X của Đảng bộ huyện. Qua đó tập trung xác định rõ mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020, các nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát huy tốt nhất các tiềm năng và lợi thế, tạo bước đột phá, xây dựng thành công nông thôn mới, đưa Ninh Phước trở thành một trong những địa bàn kinh tế quan trọng của tỉnh .
Ông Lê Xuân Tiên, đảng viên
Chi bộ khu phố 14, thị trấn Phước Dân:Đây là lần thứ 5 tôi vinh dự được làm đại biểu dự Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước. Với 80 tuổi đời và 49 năm tuổi Đảng, tôi rất tự hào được chứng kiến sự phát triển không ngừng của quê hương. Đặc biệt, trong 5 năm 2010-2015, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ninh Phước đã triển khai nhiều chương trình hành động và chính sách “hợp lòng dân”, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Tham dự đại hội lần này, tôi cũng mong muốn đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn được những đảng viên ưu tú, đủ đức, đủ tài vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới. Thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại với Nhân dân, tạo mọi điều kiện để người dân được tham gia đóng góp ý kiến và phát huy tinh thần, sức mạnh đoàn kết vào công cuộc xây dựng quê hương Ninh Phước ngày càng giàu đẹp.
Bà Đàng Sinh Ái Chi
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân:
Tôi rất vinh dự và tự hào khi được là một trong những đại biểu đại diện cho các đảng viên dân tộc Chăm tham dự Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước lần này. Tôi mong muốn đại hội sẽ dành thời gian thảo luận và đưa vào Nghị quyết các chỉ tiêu, phương hướng liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo như: phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các lễ hội và nghề truyền thống… Tôi cũng hy vọng đại hội lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để phụ nữ Ninh Phước nói chung và phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được phát huy năng lực, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng quê hương.
Anh Võ Minh Tân
Phó Bí thư Huyện đoàn Ninh Phước:Là đảng viên trẻ lần đầu tiên được tham dự Đại hội Đảng bộ huyện, tôi rất phấn khởi, coi đây là niềm vinh dự, nhưng cũng xác định rõ bản thân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm tại đại hội, tiếp thu đầy đủ nội dung, Nghị quyết Đại hội để triển khai, tuyên truyền đến các tầng lớp thanh niên. Trong nhiệm kỳ mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời tạo điều kiện để thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tổ chức đảng cơ sở cần có những chủ trương và định hướng kịp thời cho thanh niên trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lối sống; tạo việc làm, có môi trường tốt cho thanh niên học tập, rèn luyện và cống hiến.
Bạch Thương - Bích Thủy