Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2013 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.084.064 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thu chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương (NSĐP), huy động đầu tư của NSĐP, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.277.710 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2013 sang năm 2014); Bội chi NSNN 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Cũng trong phiên họp chiều 20/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ
trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Theo Tờ trình, BLHS (sửa đổi) sẽ thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020… Đặc biệt, BLHS hiện hành sẽ sửa đổi tập trung theo hướng: Đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Tư pháp tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta. Tuy nhiên, về giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, hiện còn ý kiến khác nhau.
Đa số ý kiến tán thành việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, Tội chống loài người, Tội phạm chiến tranh, vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.
Đa số ý kiến cho rằng, tình hình người chưa thành niên (NCTN) phạm tội hiện nay diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng. Việc sửa đổi, bổ sung cũng cần phải tính tới xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ và khả năng phạm tội của NCTN trong lĩnh vực này. Nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Vì vậy, đề nghị giữ quy định về độ tuổi và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự như quy định hiện hành.
Tiếp đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo Tờ trình, quy định về thẩm quyền của Tòa án theo hướng tất cả những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp theo quy định của luật thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác.
Quy định này, một mặt thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc người dân chỉ nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn, mặt khác là điều kiện để Tòa án nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý. Bên cạnh đó, dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định cụ thể những loại tranh chấp và việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án phù hợp với luật nội dung đã quy định, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động v.v…
Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam