Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo đã thảo luận và cho ý kiến về Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị” do Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) trình và Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” do Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) trình.
Về Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành Kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, các ý kiến cơ bản đồng tình với mục đích xây dựng Đề án nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách hiện hành, hướng tới việc xác lập cơ chế mới phù hợp với Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Về các đề xuất đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách đối với ngành Kiểm sát nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị, cần quán triệt đầy đủ, đúng đắn chủ trương của Nghị quyết số 49-NQ/TW nêu trên nhằm đổi mới căn bản hơn nữa quy trình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách theo mô hình Quốc hội phân bổ; giao cho các cơ quan tư pháp địa phương quản lý, sử dụng có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan tư pháp Trung ương. Theo đó, nên lựa chọn phương án cơ cấu 2 cấp ngân sách, VKSNDTC là đơn vị ngân sách cấp I, các viện kiểm sát khác là đơn vị ngân sách cấp II thay cho 3 cấp ngân sách hiện nay.
Ngoài ra, việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành Kiểm sát nhân dân phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, trong tổng thể chính sách tài chính của Nhà nước và sự tương quan giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Tại phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng nhất trí với Ban Cán sự đảng TANDTC về sự cần thiết và các căn cứ để xây dựng Đề án “Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị”; đồng thời khẳng định, việc xây dựng Đề án nhằm tìm ra cơ chế phù hợp, khắc phục những hạn chế của cơ chế phân bổ ngân sách hiện hành cho Tòa án nhân dân, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện để Tòa án nhân dân thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tuy nhiên, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách hiện nay đối với TAND được thực hiện như đối với cơ quan hành chính nhà nước khác là chưa tương xứng với vai trò, trách nhiệm, chưa tạo được sự chủ động của tòa án trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tòa án với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, là trung tâm của hoạt động tư pháp nhưng định mức chi thường xuyên được phân bổ không khác với cơ quan tư pháp khác là không hợp lý.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo phiên họp.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Về chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đặc thù cho cán bộ, công chức Tòa án nhân dân, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, do tính đặc thù của hoạt động tòa án, nên việc xây dựng bảng lương cho cán bộ, công chức tòa án là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức xây dựng mức lương như Đề án vẫn có những điểm chưa hợp lý. Các ý kiến phân tích, nên xây dựng thang bảng lương riêng cho cán bộ, công chức tòa án như đã áp dụng đối với cơ quan thuế và hải quan hiện nay. Theo đó, có thể xây dựng hệ số tiền lương đối với cán bộ, công chức tòa án theo hướng gấp 1,5 lần so với mức lương và phụ cấp đặc thù mà cán bộ tòa án đang hưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: 2 Đề án đã được Ban Cán sự đảng TANDTC và Ban Cán sự đảng VKSNDTC chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, các đề án chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập của cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách hiện hành; đồng thời, chưa đề xuất giải pháp để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách.
"Việc xây dựng các đề án phải thật sự đổi mới và phải tuân thủ theo Hiến pháp năm 2013, các luật đã được Quốc hội thông qua, cũng như tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước lưu ý: Với tinh thần của 2 Đề án là đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho ngành TAND và VKSND, cần tính toán, phân tích từng phương án, những thuận lợi và khó khăn để lựa chọn, nhất là vấn đề nguồn kinh phí, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Chủ tịch nước đề nghị, Ban Cán sự đảng TANDTC và Ban Cán sự đảng VKSNDTC tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam