Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc
Sáng 19-5, tại Trụ sở Quốc hội Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui Hwa. Cuộc gặp còn có lãnh đạo Hội hữu nghị Nghị sĩ Hàn Quốc-Việt Nam và một số nghị sĩ trong Quốc hội Hàn Quốc cùng dự.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam mong muốn phát triển nhưng cũng cần sự trợ giúp từ phía Hàn Quốc và cá nhân Chủ tịch Quốc hội Chung Ui Hwa. Vừa qua, quan hệ hai nước được tiếp thêm động lực khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn Quốc hội Hàn Quốc sẽ phê chuẩn Hiệp định này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội Hàn Quốc ủng hộ tăng vốn hỗ trợ của Hàn Quốc cho Việt Nam để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội.
Cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Chung Ui Hwa thời gian qua đã có tiếng nói bảo vệ quyền lợi và cuộc sống của người Việt Nam đang sinh sống, lao động tại Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết phía Việt Nam cũng tích cực quản lý lao động của mình tại Hàn Quốc, bảo đảm tuân thủ luật pháp nước sở tại và lợi ích của người lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ hai bên sẽ tiếp tục ký kết hiệp định tương trợ tư pháp, thúc đẩy giao lưu nhân dân để tăng cường gắn bó giữa hai quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui Hwa khẳng định quan hệ giữa hai quốc gia sẽ ngày càng phát triển chặt chẽ khi hằng năm có hơn 1 triệu người dân hai nước qua lại thăm lẫn nhau và hơn 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đề nghị Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, nhất là trợ giúp các ngân hàng của Hàn Quốc được mở chi nhánh tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Chung Ui Hwa đồng tình với những đề nghị của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và khẳng định Quốc hội Hàn Quốc sẽ phê chuẩn Hiệp định VKFTA để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Cũng trong nay 19/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gặp gỡ Chủ tịch Cơ quan phát triển Hàn Quốc KOICA Kim Young Mok.
Hiện KOICA là cơ quan cung cấp vốn viện trợ ODA của Hàn Quốc, cùng với phía Việt Nam thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, hoàn thiện thể chế chính sách và xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình thực hiện, KOICA đang hướng tới mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đi liền với bảo vệ môi trường và “tăng trưởng xanh”.
Ông Kim Young Mok đánh giá cao các chính sách phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm qua khi chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời ở khu vực phía Nam.
Với các dự án hợp tác tại Việt Nam, ngoài nguồn vốn ODA và vốn đối ứng của Chính phủ, ông Kim Young Mok nhấn mạnh tới ý nghĩa của việc huy động nguồn vốn của tư nhân vào các dự án này qua hợp tác công-tư PPP, đồng thời lựa chọn những dự án thực sự hiệu quả để cùng thực hiện.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao mối quan hệ của KOICA với Việt Nam, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của KOICA tại Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng giao thông, y tế. Việt Nam cam kết tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA từ KOICA.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí với những ưu tiên hợp tác của KOICA trong thời gian tới nhằm phục vụ cho phát triển hạ tầng bền vững và cho biết Việt Nam đang rất quan tâm, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi và đồng bằng.
Bên cạnh sử dụng nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Việt Nam đang bắt đầu thực hiện một số dự án theo mô hình hợp tác công-tư. Sắp tới, KOICA có thể cùng với Việt Nam thực hiện một số dự án thí điểm theo hình thức PPP.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và ông Kim Yuong Mok cũng trao đổi cụ thể hơn về các chương trình hợp tác về bảo hiểm y tế, dự án xử lý bom mìn tại Quảng Trị và Bình Định mà KOICA cấp vốn ODA trị giá 20 triệu USD.
Cũng trong sáng 19/5, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gặp ông Jeo Nam Jin, Phó Chủ tịch Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation). Quỹ Hàn Quốc chính là cơ quan xúc tiến giao lưu nhân sự và văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Đến nay, đã có 24 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, đã có 17 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 7 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Đề án này, đã hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.
Kết quả bước đầu của Đề án đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành đã tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP của ngành cũng đạt 3,49% - vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 3,27%.
Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm, triển khai chậm, thậm chí còn lúng túng. Đến nay còn 27 tỉnh, thành chưa phê duyệt đề án hoặc kế hoạch hành động cho tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn nhìn nhận: “Kết quả tái cơ cấu trong thực tiễn chưa có chuyển biến rõ, tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Điển hình ngay trong quý I năm nay, khi thị trường biến động thì tăng trưởng ngành lập tức xuống mức thấp nhất trong quý I của 3 năm gần đây”.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định để thấy rõ được chuyển biến từ Đề án này cần có sự thay đổi và nhận thức đúng đắn từ tư duy của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần xác định thị trường là yếu tố quan trọng. Cùng với đó phải đẩy mạnh việc tìm hiểu luật pháp, đặc biệt là các luật về thương mại cho người dân và doanh nghiệp. Trước yêu cầu của hội nhập, người dân và doanh nghiệp cần tiếp cận mạnh mẽ hơn nữa về luật không chỉ luật trong nước mà cả luật của những nước đối tác.
Thống nhất về hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền. Phạm vi triển khai chương trình phải từ cấp xã trở lên, lấy nông dân làm đối tượng chính. Địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp về sức ép cạnh tranh trong thời gian tới để có động lực phải tự liên kết để thay đổi quan hệ sản xuất.
Công tác thị trường phải được quan tâm hơn, đặc biệt là sự cạnh tranh và những cơ hội thị trường sắp tới mở ra. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho người dân biết để định hướng sản xuất.
“Cần đẩy mạnh chế biến sâu trong sản xuất nông nghiệp, nên tập trung vào những sản phẩm có lợi thế để tăng tỷ lệ chế biến. Chỉ có thể chế biến sâu, quy mô lớn thì chúng ta mới thực sự làm chủ các sản phẩm nông sản được”, Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Giữ vững môi trường hòa bình là nhiệm vụ đối ngoại hàng đầu
"Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác đối ngoại trong bối cảnh hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình phát triển đất nước" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tới dự Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015).
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị cùng có lợi với Quảng Tây và các địa phương của Trung Quốc, đồng thời giữ vững an ninh, quốc phòng tuyến biên giới trên bộ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hơn bao giờ hết, các địa phương biên giới, trong đó có tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường giao lưu, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với các địa phương biên giới của Trung Quốc, qua đó tăng cường hiểu biết, duy trì hòa bình, ổn định biên giới trên bộ, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lành mạnh, bền vững.
Lạng Sơn cũng cần tích cực, chủ động tận dụng ưu thế của địa phương để thúc đẩy các mặt hợp tác thiết thực, cùng có lợi với Quảng Tây, nhất là về kinh tế, thương mại, du lịch, kết nối giao thông, cơ sở hạ tầng, tranh thủ phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế như Trung Quốc-ASEAN, Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do đã và sắp ký kết, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Sở Ngoại vụ Lạng Sơn tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thúc đẩy các mặt hợp tác cũng như kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
* Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đến khảo sát cửa khẩu Hữu Nghị - một trong những cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất cả nước.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, năm 2014, giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt 1,68 tỷ USD, thu thuế xuất nhập khẩu đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng cửa khẩu đã tích cực phối hợp với phía Trung Quốc thực hiện có hiệu quả các văn kiện về biên giới giữa hai nước, bảo đảm trật tự trị an, tăng cường kiểm soát, thúc đẩy tiến độ thông quan hàng hóa tại đây.
Văn phòng Chính phủ