Truyền thông Malaysia dẫn lời Thủ tướng Najib nêu rõ Malaysia tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, theo đó, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào khác trong Hiệp hội. Tuy nhiên, khi một vấn đề đã lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN khác và có thể cả các nước ngoài ASEAN, cần tìm giải pháp thông qua diễn đàn ASEAN và hợp tác với các bên khác.
Ông Najib cũng cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã gọi điện thoại cho ông sáng 16-5, bày tỏ quan ngại của LHQ về vấn đề này. Trong cuộc điện đàm, ông Najib nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề của ASEAN mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề toàn cầu và phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nước.
Phát biểu trên của Thủ tướng Malaysia được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra làn sóng người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya ở Myanmar và từ Bangladesh, tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển của các đường dây buôn người trong khu vực. Mới đây nhất, hơn 750 người di cư đã được cứu ở ngoài khơi Indonesia sáng 15-5, sau khi thuyền của họ bị chìm ở phía Đông đảo Sumatra (Xu-ma-tra). Cùng ngày, Thái Lan phát hiện hơn 100 người tị nạn trên một hòn đảo ở miền Nam nước này. Giới chức các nước liên quan đã cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người tị nạn trên các thuyền ngoài biển, nhưng không cho phép họ cập bờ. Hiện khoảng 8.000 người di cư được cho là đang lênh đênh trên biển trong các điều kiện bấp bênh.
Trước tình hình trên, Thái Lan đã đề nghị tổ chức một hội nghị cấp khu vực vào ngày 29-5 tới để tìm giải pháp mang tính toàn diện cho vấn đề người tị nạn cũng như nạn buôn người trong khu vực.
Ngày 16-5, Cao ủy LHQ về Nhân quyền Zeid Ra'ad Al Hussein (Dê-ít Ra-át An Hút-sen) kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á sớm hành động để bảo vệ tính mạng người di cư. Trong một tuyên bố, ông Hussein nhấn mạnh trước tiên cần cứu sống họ rồi sau đó tính các giải pháp lâu dài.
Theo TTXVN