* Sự kiện
- Ngày 16-5-1924: Trong bài báo “Cách mạng Nga và các dân tộc thuộc địa” đăng trên tờ “La Vie Ouvrière” (Đời sống công nhân), Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình tượng chính xác về chủ nghĩa tư bản: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”. Tác giả còn khẳng định, Cách mạng Nga đã dạy cho các dân tộc bị áp bức biết đấu tranh và “giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất như Lênin đã tuyên bố trong luận cương của Người về vấn đề thuộc địa”. Nguyễn Ái Quốc cũng đánh giá về “Trường Đại học Phương Đông” mà mình đang theo học là nơi “ôm ấp dưới mái trường mình tất cả tương lai của các dân tộc thuộc địa”.
- Ngày 16-5-1955: Miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà (Hải Phòng), điểm rút cuối cùng trên miền Bắc nước ta.
- Ngày 16-5-1959: Bác đến thăm lớp chỉnh huấn khóa II của ngành Công an. Nói chuyện với các học viên, Bác nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng con người mới: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi nảy nở rất dễ... Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác, các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công. Muốn được như vậy, cũng phải trau dồi đạo đức cách mạng, cũng phải chống chủ nghĩa cá nhân”.
- Ngày 16-5-1997: Khởi công xây dựng công trình thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi. Thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi là công trình trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 1997-2000 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Công trình nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Công trình có hai hồ chứa nước: Hồ Hàm Thuận (2.500 ha) và hồ Đa Mi (700 ha) và hai nhà máy điện cùng tên cách nhau 10 km. Thủy điện Đa Mi là bậc thang dưới của thủy điện Hàm Thuận. Hai nhà máy áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Mỹ, Canađa, Italia... Năm 2001, sau 4 năm xây dựng, cụm công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi được hoàn thành. Với tổng công suất 490 MW, hai nhà máy trên cung cấp một sản lượng điện không nhỏ cho đất nước.
- Ngày 16-5-2011: Lễ khánh thành mốc Quốc giới - mốc đại 635 tại hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Sa La Van (Lào). Mốc Quốc giới- mốc đại 635 được khởi công xây dựng ngày 3-9-2010. Trước đây, mốc đại này nguyên là mốc R16 bằng bê-tông, gắn qua Cửa khẩu Quốc gia La Lay. Đây là một trong 16 mốc đại trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào và là mốc đại duy nhất giữa hai tỉnh Quảng Trị và Sa La Van.
- Ngày 16-5-2014, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2013, bình quân mỗi xã đạt 8,47 tiêu chí, tăng 3,77 tiêu chí/xã so với năm 2011. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi thay, ngày càng văn minh hơn, kết cấu hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, vai trò chủ thể của người dân cũng ngày càng được khẳng định. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2013 tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết năm 2013 là 12,6%, giảm bình quân 2%/năm so với năm 2008.
* Nhân vật
- Ngày 16-5-1825: Ngày mất của nhà thơ, nhà văn Phạm Quý Thích. Phạm Quý Thích sinh ngày 25-12-1760, quê ở Hòa Đường, Bình Giang, Hải Dương. Ông là danh sĩ cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn. Năm Kỷ Hợi 1779, niên hiệu Cảnh Hưng 40, ông đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng xuất thân, làm quan tới chức Thiêm sai tri công phiên… Phạm Quý Thích là một người có khí phách, thích ẩn dật, an nhàn… Ảnh hưởng của ông đối với trào lưu tư tưởng, văn học nghệ thuật triều Nguyễn không nhỏ. Ông để lại cho đời rất nhiều tác phẩm văn học có giá trị như: “Thảo đường thi nguyên tập”, “Lập trai văn tập”, “Thiên Nam Long thư liệt truyện”, “Chu dịch vấn đáp toát yếu”, “Nam hành thi tập”, “Tân truyền kỳ”. Ông là bạn thân của nhà thơ lớn Nguyễn Du và cũng chính là người đầu tiên đem Truyện Kiều ra bình phẩm với học trò và làm bài thơ Tống vịnh Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh đề từ) rồi lo việc ấn hành.
Theo TTXVN