DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Vinh đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản

(NTO) Thời gian qua, Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) triển khai trên địa bàn xã Phước Vinh (Ninh Phước) đã góp phần tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn ở địa phương. Từ chỗ giúp xã xác lập, phát triển thế mạnh cây trồng, vật nuôi song song với đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đến nay, bước tiếp theo của Dự án là liên kết các tổ, nhóm sản xuất với doanh nghiệp (DN) tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản.

Xã Phước Vinh có thế mạnh ở cả hai lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Trong tổng diện tích đất tự nhiên 4.782 ha thì đất sản xuất hằng năm của xã khoảng 1.700 ha, với các loại cây trồng chủ yếu là lúa, bắp và táo.

Các hộ thành viên NST xã Phước Vinh tham gia buổi tập huấn hiện trường kỹ thuật nuôi cừu vỗ béo.

Bên cạnh đó, người dân còn biết tận dụng phụ phẩm nông nghiệp phát triển chăn nuôi. Đến nay, tổng đàn gia súc trên 11.900 con, trong đó, đàn bò và cừu chiếm khoảng 9.500 con. Do đó, triển khai thực hiện Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã thành lập 15 nhóm đồng sở thích (NST) trồng trọt và chăn nuôi, bao gồm 4 nhóm bò, 2 nhóm cừu, 5 nhóm trồng bắp và 4 nhóm trồng táo phân bố 5/5 thôn. Các nhóm được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, con giống, làm chuồng trại và vật tư nông nghiệp ban đầu. Cùng với đó, dự án cũng đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cấp, sửa chữa đường nội đồng; xây mới chợ Bảo Vinh và Phước An 2; sửa chữa, nâng cấp sân phơi HTX Bảo Vinh và HTX Phước An. Hạ tầng nông thôn cải thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất, giao thương, đồng thời tạo điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.

Những năm gần đây, UBND xã Phước Vinh đã chủ động thực hiện liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, nhờ đó nông dân địa phương nhanh chóng tiếp cận với giống mới, kỹ thuật canh tác mới. Đến nay, xã đã liên kết với DN thực hiện tròn khâu (cung ứng vật tư và thu mua nông sản) đối với các cây trồng như lúa, bắp, mía và thuốc lá. Theo anh Nguyễn Bá Thiên, thành viên Ban Phát triển xã Phước Vinh, thì lợi thế của địa phương khi triển khai việc kết nối tổ, nhóm sản xuất với doanh nghiệp được các NST đồng tình cao. Thông qua Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh kết nối thị trường tiêu thụ cho nông sản, Ban Phát triển xã đã thực hiện liên kết nhóm nuôi bò với cơ sở cung ứng con giống và giết mổ bò Hồng Loan, kết nối các NST cừu kết nối với cơ sở Triệu Tín và kết nối các NST trồng táo với Trang trại Ba Mọi nhằm tạo đầu ra ổn định cho các hộ thành viên. Mới đây, từ nguồn kinh phí của Quỹ Cạnh tranh DN (CBG) thuộc Dự án HTTN, địa phương đã bố trí được một số buổi tập huấn, giao lưu, cam kết hoạt động đúng theo mục tiêu của dự án đề ra giữa chủ các chủ cơ sở trên và thành viên trong các NST bò, cừu, táo. Dự kiến trong quý II này, Ban Phát triển xã tiếp tục kết nối các nhóm bắp với Công ty TNHH Mạnh Xuân. Sự đồng thuận của các hộ thành viên ở các NST cho thấy đây sẽ là điều kiện tốt để giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế nhà nông. Ông Hồ Trung Sơn, Trưởng NST táo thôn Bảo Vinh cũng cho hay: Thông qua Dự án HTTN, 15 hộ thành viên trong thôn đã được chuyển giao kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích hơn 3ha. So với trước đây, giá táo VietGAP cũng chỉ ngang bằng giá táo trên thị trường, có hiệu quả hơn là ở chỗ giảm được một phần chi phí vật tư và trái táo được đánh giá là “sạch” hơn. Nay Dự án HTTN kết nối các nhóm trồng táo với Trang trại Ba Mọi bao tiêu với giá cả ổn định, bà con trong NST rất phấn khởi.

Qua đây cho thấy, việc tạo kết nối “2 nhà” (nông dân và DN) đã bước đầu hỗ trợ cho người dân, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo trong các nhóm trồng trọt cũng như chăn nuôi tiếp cận với thị trường nên nông sản có đầu ra ổn định, giảm bớt nỗi lo “được mùa, mất giá” như trước đây.

Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh vừa phối hợp với xã An Hải (Ninh Phước) tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học cho 80 hộ nông dân trong nhóm cùng sở thích chăn nuôi gà ở thôn Hòa Thạnh và Nam Cương. Qua đó, nhằm giúp các hộ nắm vững các quy trình kỹ thuật để áp dụng vào phát triển nuôi gà thả vườn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập.