Do đảng Bảo thủ giành được đa số quá bán trong Hạ viện Anh (331 trên tổng số 650 ghế), nên ông Cameron có thể chủ động trong việc bố trí, sắp xếp các thành viên trong nội các mới. Bốn nhân vật trong nội các cũ vẫn giữ nguyên các chức vụ như trước là ông George Osborne (Gioóc-giơ Ô-xbon) giữ chức Bộ trưởng Tài chính, đồng thời cũng là nhân vật số hai trong nội các, Teresa May (Tê-rê-xa Mây) giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Philip Hammond (Phi-líp Ham-môn) giữ chức Ngoại trưởng và Michael Fallon (Mai-cơn Pa-lôn) giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Bốn nhân vật quan trọng này sẽ là cột trụ của chính phủ mà ông Cameron cam kết lần này là 100% bảo thủ. Điều này đã làm hài lòng rất nhiều nghị sĩ của đảng Bảo thủ, những người thường xuyên khó chịu về những nhượng bộ đối với đảng Tự do Dân Chủ trong liên minh cầm quyền từ năm 2010.
Trong cuối tuần này, Thủ tướng Cameron sẽ phải kết thúc việc thành lập nội các để công bố vào 11-5. Trước đó, trong bài diễn văn đầu tiên sau khi tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm, Thủ tướng Cameron cam kết sẽ lãnh đạo để đoàn kết Vương quốc Anh, đồng thời hứa hẹn sẽ làm cho nước Anh trở nên “vĩ đại hơn”. Ông cũng xác nhận sẽ nhanh chóng tiến hành trao thêm quyền cho xứ Wales và nhất là vùng Scotland.
Về việc tổ chức trưng cầu dân ý về ở lại EU trong vòng hai năm tới, ông Cameron tuyên bố sẽ vận động để Anh quốc ở lại trong EU nếu ông thương lượng thành công một chương trình cải cách về cơ chế hoạt động của liên minh này. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker (Giăng Cờ-lốt Giăng-cơ) cũng đã tuyên bố EC muốn "hợp tác mang tính xây dựng" với Anh liên quan các chương trình cải cách mà London muốn EU thực hiện.
Theo TTXVN