* Sự kiện
- Ngày 9-5-1946: tại Bắc Bộ phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp gần 50 đại biểu thuộc đủ các lứa tuổi, các giới của các dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang và Hà Giang về thăm thủ đô. Các đại biểu đã tặng Người khoai, ngô, mật ong, vải… của địa phương. Người nâng cốc chúc các đại biểu mạnh khỏe, sống lâu, hô hào con cháu đoàn kết giúp Chính phủ và động viên anh chị em phụ nữ, hỏi thăm tình hình xóa nạn mù chữ, khuyên đồng bào nên gắng sức học tập cho biết chữ và đoàn kết chặt chẽ. Người nhắc các đại biểu lần sau không mang cho nhiều quà, vừa tốn công vừa tốn của. Cùng ngày, Bác chuyển chè của đồng bào tặng mình cho Đội tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu.
- Ngày 9-5-1961: Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, một hòn đảo ngoài khơi xa thuộc tỉnh Quảng Ninh. Nói chuyện với cán bộ và bà con trên đảo, Bác động viên: “Thủ đô Hà Nội tuy xa cách đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ…”.
- Ngày 9-5-1965: Nhân kỷ niệm 20 năm ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít, Bác viết bài “Hai ngày kỷ niệm vẻ vang”, ký bút danh “Chiến Sĩ”, đăng trên Báo Nhân dân, số 4053. Bài báo giới thiệu về hai ngày kỷ niệm lớn: Chiến thắng của nhân dân Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai (9-5-1945) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954). Trong bài, liên hệ với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác đi đến một kết luận mang tính thời sự: “Trước mắt, đế quốc Mỹ chỉ có hai con đường. Một là tự động chấm dứt chiến tranh và rút ra khỏi miền Nam một cách “lịch sự”. Hai là ngoan cố bị động chờ quân và dân miền Nam tống cổ chúng về nước mẹ Hoa Kỳ”.
- Ngày 9-5-1985: Khánh thành cầu Thăng Long (Hà Nội). Cầu Thăng Long được xây dựng năm 1974 và khánh thành vào ngày 9-5-1985. Đây là cây cầu duy nhất của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất (11 năm), cũng là cây cầu lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ, do Liên Xô (cũ) giúp ta xây dựng. Cầu bắc qua sông Hồng, nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Cầu có chiều dài 3.500 m, rộng 21m, gồm 2 tầng: tầng 1 có 2 làn dành cho xe thô sơ, ở giữa là đường sắt. Tầng 2 dành cho xe cơ giới, mặt cầu bê-tông và 2 làn dành cho người đi bộ. Vừa qua ngày 4-1-2015, với việc cầu Nhật Tân đã chính thức được thông xe, Hà Nội đã có tất cả 7 cây cầu bắc qua sông Hồng.
* Nhân vật
- Ngày 9-5-1968: Ngày mất của nhà văn Nguyễn Thi. Nhà văn Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 15-5-1928, tại Hải Hậu, Nam Định. Bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn. Nguyễn Thi thuộc trong số ít nhà văn mà cuộc đời và tác phẩm luôn khiến ta xúc động và không hết ngạc nhiên. Qua những tác phẩm của ông, người đọc dễ dàng nhận thấy ở ông có sự kết hợp hài hoà giữa sống, chiến đấu và sáng tác. Ông đã tạo được sự hài hoà giữa chiều sâu của hiện thực với tầm cao của lý tưởng và thẩm mỹ. Phong cách nghệ thuật trong tác phẩm của ông là phong cách dân gian giàu tính hiện đại, sắc sảo mà rất trữ tình. Các tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Thi có thể kể đến như: Trăng sáng, Đôi bạn,… Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Ngày 9-5-2001: Ngày mất đồng chí Yngông Niêk Đăm. Đồng chí Yngông Niêk Đăm sinh ngày 13-8-1922, dân tộc Êđê, quê ở buôn Ea Sút, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Ông là “Cây đại thụ” của núi rừng Tây Nguyên; hạt giống đỏ của cách mạng được Đảng và Bác Hồ gieo trên đất Tây Nguyên. Ông là tác giả của cuốn sách “Đến với Cách mạng đi theo Bác Hồ”. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV (dự khuyết) và khóa V; nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa IX, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. Ông cũng từng là đại biểu Quốc hội 9 khóa liên tiếp từ khóa I đến khóa IX.
Theo TTXVN