* Sự kiện
- Ngày 2 đến 9-5-1933: Các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Hà Huy Giáp... đã đứng dậy phản đối phiên tòa đại hình đặc biệt do thực dân Pháp mở tại Sài Gòn để xét xử 120 chiến sĩ cộng sản và nói xấu Đảng ta; biến phiên tòa thành diễn đàn lên án chủ nghĩa thực dân Pháp và tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản.
- Ngày 2-5-1959: Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn đại biểu các dân tộc thiểu số về dự lễ kỷ niệm ngày 1-5 ở thủ đô Hà Nội với lời căn dặn: “Ngày nay đồng bào không bị bọn đế quốc áp bức khổ sở như trước, phải làm cho đời sống ngày càng no ấm hơn. Muốn thế đồng bào phải tăng gia sản xuất. Muốn có nhiều lúa, ngô, khoai, sắn, bông... thì phải đoàn kết thương yêu nhau, tổ chức nhau lại. Ví dụ như muốn nhấc một hòn đá nặng, một người, hai người không thể làm được, nhưng 20, 30 người, xúm xít nhau lại thì nhất định sẽ nhấc được hòn đá... Đảng và Chính phủ lúc nào cũng chú ý đến đồng bào vùng cao và càng ngày càng hết sức chú ý giúp đỡ đồng bào nhiều hơn nữa”.
- Ngày 2 đến 6-5-1965: Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ Thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất, với sự tham dự của 150 đại biểu.
- Ngày 2-5-1967: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Cụ Bertrand Roussel (triết gia Anh) và ông Jean Paul Sartre (nhà văn Pháp), Chủ tịch Tòa án Quốc tế xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam nhân dịp Tòa án Quốc tế mở phiên đầu tiên tại thủ đô Stockholm, Vương quốc Thụy Điển.
Bức điện của Người có đoạn viết: “Việc Tòa án Quốc tế mở phiên chính thức đầu tiên, nhất là trong lúc Mỹ đang điên cuồng leo thang đánh phá cảng Hải Phòng và thủ đô Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn. Đó là một sự cổ vũ mạnh mẽ không những đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi mà đối với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập dân tộc và hòa bình...”.
- Ngày 2-5-2007: Lễ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3 Việt Nam - Malaixia vào bờ tới Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Đây là một sự kiện đánh dấu một mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng cực Nam đất nước. Khí được vận chuyển vào bờ qua đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau. Đường ống dẫn khí này là một phần của Dự án khí - điện - đạm Cà Mau được Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) xây dựng, bao gồm 298 km đường ống dẫn khí ngoài biển và hơn 26 km đường ống dẫn khí trên bờ. Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau có công suất vận chuyển khoảng 2 tỷ m3/năm.
* Nhân vật
- Ngày 2-5-1926: Ngày sinh Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn sinh làng Thượng Thọ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là chuyên gia hàng đầu của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Cuộc đời ông là tấm gương một mẫu mực của tinh thần học hỏi không ngừng theo “cốt tính của người xứ Nghệ”. Ông được giới nghiên cứu đánh giá cao trong các lĩnh vực Ngữ pháp tiếng Việt; Nghiên cứu chữ Nôm và chữ quốc ngữ; Lịch sử và phương ngữ tiếng Việt.
Ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học, Việt ngữ học, Hán Nôm… Năm 2000, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về cụm ba công trình Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt. Năm 2008, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ông mất ngày 25-2- 2011.
- Ngày 2-5-1982: Ngày mất nhà văn Nguyên Hồng. Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh ngày 5-11-1918, quê ở Nam Định. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết mang đậm hơi thở cuộc sống lao động, đấu tranh ở những vùng miền ông từng đặt chân đến. Ông được nhiều nhà văn lớp sau yêu mến và kính trọng bởi tài năng, nghị lực và tình yêu của ông đối với văn chương.
Nhà văn Nguyên Hồng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 cho các tác phẩm: “Sóng gầm”, “Cơn bão đã đến”, “Thời kỳ đen tối”, “Khi đứa con ra đời”, “Thù nhà nợ nước”, “Núi rừng Yên Thế”, “Trời xanh”, “Bước đường viết văn”, “Những nhật vật ấy đã sống với tôi”.
Theo TTXVN