1. Mỹ và Nhật Bản sẽ mở rộng liên minh song phương ra quy mô toàn cầu nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài châu Á-Thái Bình Dương.
Đó là cam kết được đưa ra tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28-4 tại thủ đô Washington D.C, Mỹ.
Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đề cập đến một loạt vấn đề song phương và đa phương, trong đó nổi bật là hai chủ đề an ninh và kinh tế.
Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để đưa đàm phán TPP đi đến giai đoạn cuối cùng. Chúng tôi đã cam kết sẽ cộng tác để có thể sớm kết thúc thành công đàm phán TPP”. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi thừa nhận tình hình chính trị nội bộ ở cả Mỹ và Nhật đang rất khó khăn đối với TPP nhưng Thủ tướng Abe và tôi đều cam kết sâu sắc là sẽ làm cho TPP thành hiện thực và tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ làm được điều đó”.
Về an ninh, hai bên khẳng định sẽ mở rộng liên minh Mỹ - Nhật Bản theo định hướng quốc phòng mới. Tổng thống Obama cho biết một liên minh Mỹ - Nhật vững mạnh không nhằm khiêu khích nước khác, nhưng khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trước bất kỳ mối đe dọa nào. Hai nhà lãnh đạo cũng đã bày tỏ quan ngại về các hành động tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông.
Cùng với sự tiếp đón trọng thị dành cho Thủ tướng Nhật Bản và những cam kết rõ ràng trong quan hệ song phương, chính quyền Obama đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và của thế giới.
2. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 29-4 cho biết, việc ký thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ khiến Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước cộng hòa Hồi giáo này chỉ vài ngày sau đó.
Trước đó, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cũng khẳng định, tất cả các biện pháp trừng phạt phải được dỡ bỏ nếu các bên tiến tới một thỏa thuận cuối cùng.
Theo ông Zarif, một nghị quyết mới chứng thực thỏa thuận này sẽ kết thúc các nghị quyết trừng phạt trước đó của Liên Hợp Quốc.
Mỹ và các nước châu Âu cho rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, dựa trên những hành động của Iran với sự xác nhận của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Và để xác minh được điều này phải mất vài tháng.
Đề cập đến việc liệu hạn chót 30-6 tới có được gia hạn tiếp hay không, Ngoại trưởng Zarif cho biết, Iran muốn một thỏa thuận được kí kết trước cuối tháng 6, nhưng nếu các nhà đàm phán vẫn chưa hoàn thành xong thỏa thuận thì khả năng gia hạn thỏa thuận vẫn có thể xảy ra.
3. Người dân ở nhiều khu vực hẻo lánh tại Nepal cho biết, họ vẫn ngày ngày mong ngóng những chuyến hàng cứu trợ. Phần lớn các ngôi nhà ở Swarathok, nằm cách thủ đô Kathmandu 70km, đã bị xóa sổ trong cơn động đất kinh hoàng xảy ra vào sáng ngày 25-4. Những ngôi nhà may mắn còn đứng vững sau trận động đất giờ cũng mang trên mình những vết nứt lớn, giống những vết thương đang hằn sâu trong trái tim hàng triệu người Nepal.
Từ Kathmandu, phải mất hai giờ đồng hồ đi qua những con đường đầy sỏi đá để đến được Swarathok. Trong bối cảnh hàng nghìn người dân ở thủ đô vẫn đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn về mọi mặt, nhiều khả năng, cứu trợ sẽ không thể đến được với các cư dân của ngôi làng Swarathok.
Thủ tướng Nepal Sushil Koirala phát biểu: “Số người thương vong có thể lên tới 10.000 người do thông tin liên lạc ở một số khu vực hẻo lánh chịu ảnh hưởng của cơn động đất vẫn chưa được nối lại”. Con số này sẽ vượt qua kỷ lục 8.500 người. Hiện đây đang là một thách thức và thời khắc khó khăn cho Nepal”.
Một thảm họa đi qua không chỉ để lại quang cảnh đổ nát mà còn để lại nỗi hoảng sợ và ám ảnh tột độ. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, ước tính 8 triệu người đang chịu ảnh hưởng của cơn động đất và 1,4 triệu người trong số đó cần được trợ giúp kịp thời.
P.V