* Sự kiện
- Ngày 25-4-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp phóng viên Hãng Thống tấn Pháp AFP. Người kêu gọi người Pháp phải thi hành đúng Hiệp định sơ bộ 6-3 và tuyên bố: “Nước Việt Nam, một quốc gia không thể nhận những quyết nghị của một Chính phủ chỉ huy như chế độ toàn quyền Đông Dương cũ”.
- Ngày 25-4-1957: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư bàn về công tác vận động phụ nữ. Người nêu lên một số ý kiến về ba nguyên tắc lớn trong công tác vận động phụ nữ và nhấn mạnh: Cán bộ phải tham gia lao động và sinh hoạt của quần chúng mới biết được thực tế phải có trọng tâm trong ba công tác kế hoạch phải nói đến cả phong trào ở thành thị hướng vận động phải thiết thực, chống xa xỉ, đề cao lao động.
- Ngày 25-4-1958: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Nhà máy điện Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ. Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Bờ Hồ và Nhà máy điện Yên Phụ nhân dịp nhà máy tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, Người nêu yêu cầu đối với công nhân trong giai đoạn cách mạng mới là phải có trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cao, có ý thức tổ chức chặt chẽ, kỹ thuật thành thạo và trình độ văn hóa tốt, nhằm thực hiện 4 mục tiêu của sản xuất là nhiều, nhanh, tốt, rẻ, đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà.
- Ngày 25-4-1961: Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc lần thứ II, Bác chỉ rõ:“Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, mọi người hiểu rõ mình là người chủ nước nhà và quyết tâm làm tròn nghĩa vụ của người chủ, thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được và chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi nhiều hơn nữa và to lớn hơn nữa”. Kết thúc bài nói, Bác cũng nhắc lại câu khẩu hiệu mà lần đầu cách đó 10 năm (1951) Bác đã phát biểu tại Đại hội hợp nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công”.
- Ngày 25-4-1976: Bầu cử Quốc hội khoá VI (1976-1981) - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ tập thể, người chiến thắng, những cử tri của dân tộc Việt Nam anh hùng đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất- Quốc hội chung của cả nước. Kết quả cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu ngay ở vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua lao động, sản xuất, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nhân dân ta sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".
- Ngày 25-4-1991: Thành lập Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Đây là viện đầu ngành về điều trị, nghiên cứu, đào tạo và chỉ đạo các hoạt động về phòng, chống bỏng trong toàn quốc. Sau 23 năm xây dựng và phát triển, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 70.000 bệnh nhân, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật chuyên khoa bỏng mang tính đột phá.Viện cũng đã làm tốt 5 nhiệm vụ là nghiên cứu phòng, chống, chữa bỏng, xử lý ban đầu tại tuyến cơ sở, kết hợp các trường đại học đào tạo chuyên ngành bỏng nghiên cứu khoa học, hợp tác khoa học trong nước và thế giới, thực hiện chỉ đạo tuyến về ngành bỏng cho quân và dân y trong cả nước. Viện vinh dự 2 lần được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
* Nhân vật
- Ngày 25-4-1969: Ngày mất bác sĩ Lê Đình Thám. Ông sinh năm 1897, quê ở Phú Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam. Bác sĩ, cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám là nhà hoạt động xã hội và tôn giáo. Ông là tác giả bộ sách nghiên cứu về Phật giáo: Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập) và dịch giả bộ “Kinh lăng nghiêm”. Cư sĩ Lê Đình Thám được vinh danh là một trong 105 danh tăng Việt Nam. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận có ghi: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận là thâm uyên”. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất....
Theo TTXVN