1. Các Bộ trưởng Tài chính của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Riga, thủ đô của Latvia để đánh giá về hiệu quả của các chính sách cải cách mà Hy Lạp đề đạt với các chủ nợ. Thủ tướng Hy Lạp sẽ tiếp tục phải chịu sức ép từ phía EU để đẩy nhanh việc thống nhất những cải cách và nhận tiền cứu trợ tài chính trước khi Athens chính thức phá sản.
Về triển vọng, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nhận định rằng, ông không hy vọng về một thỏa thuận sẽ được ký kết trong cuộc họp tới đây nhưng mong chờ danh sách cải cách sẽ được Hy Lạp trình tới các Bộ trưởng Tài chính châu Âu ở Riga.
Các quan chức EU cho biết, Brussels đang gây sức ép yêu cầu Athens tiến hành các biện pháp mạnh tay hơn như cải tổ thị trường dịch vụ và hàng hóa để loại bỏ các cơ chế đặc quyền và bảo hộ, cũng như đảm bảo sự cân bằng trong lĩnh vực thuế.
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã đồng loạt giảm giá do những lo ngại về xu hướng siết chặt tín dụng tại Trung Quốc và triển vọng không mấy sáng sủa xung quanh cuộc đàm phán về khủng hoảng nợ Hy Lạp. Động thái này cho thấy rủi ro đối với tài chính toàn cầu vẫn còn lớn.
2. Liên minh châu Âu đã phải tổ chức họp thượng đỉnh bất thường, chỉ để tìm giải pháp đối phó với làn sóng nhập cư trái phép từ châu Phi.
Sau phiên họp khẩn tại Brussels, các lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí tăng gấp 3 ngân sách cho Triton, chương trình kiểm soát biên giới ngoại vi, lên 120 triệu Euro trong năm nay, ngang bằng với ngân sách cho chương trình Mare Nostrum của Italy trước đây.
Hội nghị thượng đỉnh cũng đã quyết định tăng tuần tra trong phạm vi 30 dặm xung quanh bờ biển Italy, Hy Lạp và Malta. Cảnh sát biển sẽ giảm tuần tra trong lãnh hải quốc tế, nhằm làm nản lòng những người tị nạn, nay sẽ phải đi xa hơn nhiều mới mong được vớt. Những người đang bị tạm giữ tại Italy sẽ được phân loại nhanh chóng và cưỡng bức trả về nước; ai đủ điều kiện tị nạn sẽ được chia về các nước châu Âu để tái định cư.
Chỉ trong vòng 3 ngày từ 10 đến 12-4, gần 6.000 người nhập cư trái phép trên 22 con tàu vượt biển Địa Trung Hải đã được lực lượng cứu hộ bờ biển Italy giải cứu.
Trong khi đó theo thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, số lượng người nhập cư qua biển Địa Trung Hải đã tăng gần 10 lần so với năm 2014. Hầu hết những người nhập cư trái phép đến từ Trung Đông và Bắc Phi muốn đến các quốc gia châu Âu với mong muốn tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn.
3. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ công du tới Mỹ từ ngày 26-6 đến 3-5. Đây là chuyến thăm dài ngày nhất của ông Abe tới Mỹ, và dự kiến ông cũng có sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Quốc hội Mỹ, khẳng định vai trò đồng minh Nhật-Mỹ đối với hòa bình ổn định của khu vực và thế giới. Điều này, theo các nhà phân tích sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới từng nước liên quan và khu vực.
Để chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm Mỹ của ông Abe lần này, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất về những nội dung mới trong chính sách hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ được quyết định trong cuộc gặp.
Trong bối cảnh hiện tại, nội dung mà tập trung sự chú ý của dư luận đó là việc Nhật-Mỹ sẽ tăng cường liên kết nhằm đối phó lại với những hành vi vũ lực mang tính uy hiếp và gia tăng sức mạnh quân đội của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực này, đặc biệt tại Biển Đông.
Cụ thể Nhật-Mỹ sẽ cùng nhau đối phó với những tình huống khẩn cấp, đầu tiên là hành động xâm phạm đối với khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và hành động tăng cường quân sự ở khu vực các đảo Tây Nam Nhật Bản của Trung Quốc.
Nội dung mới trong chính sách an ninh mới Nhật-Mỹ cũng nói rõ ràng rằng hợp tác Nhật-Mỹ cũng sẽ được tăng cường ở mức cao nhất khi tình hình căng thẳng mang tính quân sự giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc ở mức báo động.
Như vậy, việc hai nước đạt được thỏa thuận trên có thể lại gây phản ứng cho Trung Quốc, song đó cũng là điều cần thiết khi có những hành vi đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế gây tổn hại tới an ninh khu vực và thế giới.
P.V