Cân phân mà nói, những năm gần đây du lịch tỉnh nhà đã có nhiều khởi sắc từ quy mô với nhiều cơ sở nghỉ dưỡng nhất là dọc theo bờ biển dài trên 105 km mà “điểm nhấn” là Ninh Chử-Bình Sơn, có cơ sở quá cao cấp như khu du lịch Amanơi thường chỉ dành cho du khách là tỷ phú trên thế giới như giới thiệu của doanh nghiệp này. Cùng với đó, nhiều nhà nghỉ cũng mọc lên khắp nơi trong Tp.Phan Rang-Tháp Chàm để phục vụ cho du khách bình dân. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư một số khu di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề… để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của du khách và nhân dân trong tỉnh.
Một góc khu nghỉ mát Amanơi (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải). Ảnh: V.Miên
Ngành du lịch cũng rốt ráo tổ chức nhiều tua, tuyến gắn với quảng bá, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để vừa đáp ứng nhu cầu du khách, vừa tạo thu hút... Bằng những nỗ lực đó, lượng khách du lịch đến tỉnh ta tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng tăng nhất là du khách trong nước. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm nay đã có trên 453.000 lượt du khách đến tỉnh ta, tăng 20% so với cùng kỳ. Trong số này lượng du khách trong nước đã tăng 23%.
Việc tăng số lượng du khách hàng năm của ngành du lịch tỉnh nhà là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng này cũng chỉ mới dừng lại ở con số đếm đơn thuần mà thôi. Tỉnh ta vốn có tiềm năng du lịch đa dạng các loại hình từ rừng đến biển, các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, mạo hiểm... nhưng trên thực tế mới chỉ khai thác thế mạnh nghỉ dưỡng từ việc đầu tư các resort, nhà nghỉ... còn các loại hình mà du khách có nhu cầu vui chơi, giải trí, thư giãn... thì hoặc đầu tư hạn chế hoặc chỉ tự phát mà thiếu quy hoạch bài bản. Hay nói khác hơn làm du lịch theo kiểu “mùa vụ” hơn là tạo thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh. Đó là chưa nói đến chất lượng các dịch vụ chưa cao; tư duy làm du lịch của một số chủ cơ sở theo kiểu “ăn xổi ở thì” thể hiện rõ ở việc “chặt chém” du khách trong dịch vụ lưu trú và ăn uống, đi lại, mua sắm.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh?. Theo chúng tôi ngành du lịch cần có những giải pháp mang tính lâu dài. Đó là bên cạnh việc tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả; đầu tư hệ thống hạ tầng đáp ứng nhu cầu của du khách, mở các tour, tuyến mới... Bên cạnh đó, việc quan trọng cần làm ngay là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch không chỉ trong hệ thống các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú lớn mà ngay cả những hàng quán vỉa hè, dịch vụ đi lại, mua sắm..., để mỗi một người dân thực sự là một “hướng dẫn viên” thân thiện. Đồng thời cần thay đổi tư duy làm du lịch kiểu “ăn xổi” dẫn đến hệ lụy: Du khách chỉ xem Ninh Thuận chỉ là một điểm dừng chân trên hành trình khám phá du lịch hơn là “bị níu chân” bởi chính sự hấp dẫn của đất và người ở đây!”. Làm được những điều đó cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng du lịch cả về doanh thu và tăng trưởng lượt khách, để những năm tới, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Hy vọng trong dịp nghỉ lễ này, du lịch tỉnh nhà sẽ gặt hái nhiều “quả ngọt” từ chính sự hài lòng của du khách.
Tuấn Dũng