1. Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G-7 tại thành phố Lubeck, miền Bắc nước Đức, đã bế mạc sau hai ngày làm việc.
Trong bản Tuyên bố bế mạc hội nghị dày 17 trang, các ngoại trưởng G-7 đã đề cập tới 11 vấn đề nóng của thế giới, trong đó nhấn mạnh tới cuộc khủng hoảng Ukraine, vai trò của Nga... và vấn đề an ninh hàng hải. Tuyên bố kêu gọi Nga đóng vai trò tích cực hơn nữa trong cuộc xung đột ở Ukraine, tác động để lực lượng đòi độc lập thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk; vai trò cầu nối của Đức và Pháp nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.
Liên quan vấn đề an ninh hàng hải, các ngoại trưởng G-7 đã ra một tuyên bố riêng đề cập chủ đề này. Tuyên bố An ninh hàng hải của G-7 gồm 11 điểm, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hàng hải trong cuộc sống cũng như giao thương. Tuyên bố nhấn mạnh chỉ có thể chống lại các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải nếu có một cách tiếp cận mang tính hợp tác, phối hợp trên cơ sở pháp luật và điều phối hành động giữa các quốc gia, các khu vực và toàn cầu.
Các ngoại trưởng G-7 cũng cam kết tôn trọng trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và nhấn mạnh tầm quan trọng của các thỏa thuận hay các công cụ giải quyết tranh chấp khu vực, kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử biển Đông (COC), trong khi ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)...
2. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức đệ trình lên Quốc hội đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Động thái này là một bước then chốt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba.
Theo ông Obama, trên cơ sở rà soát và đánh giá lại của Bộ Ngoại giao, việc tiếp tục để Cuba trong danh sách những quốc gia bảo trợ khủng bố là xúc phạm tới lòng tự hào của người dân Cuba, đồng thời cũng là một trở ngại lớn đối với nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa Washington và La Habana.
Như vậy, với việc quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố, quan chức hai bên hy vọng có thể mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước. Ra khỏi danh sách khủng bố cũng có thể sẽ khiến Cuba dễ dàng hơn để có được nguồn tín dụng từ các ngân hàng ngoài nước Mỹ, chuyển tiền giữa các quốc gia và tiến hành một loạt các giao dịch tài chính quốc tế khác.
Theo luật định, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét và thông qua đề xuất của Tổng thống Obama. Ngay sau tuyên bố của chính phủ Mỹ, nhiều người dân Cuba đã ca ngợi hành động của Tổng thống Obama.
3. Hôm 16-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành cuộc đối thoại trực tuyến thường niên với người dân. Đây là lần đối thoại trực tuyến thứ 13 của ông Putin với người dân Nga, kể cả trên cương vị Tổng thống lẫn Thủ tướng.
Theo thống kê, chỉ 6 tiếng sau khi trung tâm tiếp nhận câu hỏi được khởi động, đã có gần 49.000 cuộc gọi được tiếp nhận. Con số này lớn gấp 8 lần so với năm 2014. Sau gần 3 tiếng đồng hồ đã có gần 3 triệu câu hỏi bằng điện thoại, tin nhắn, video trực tuyến đã được nêu ra.
Về nội dung câu hỏi được nêu ra, kết quả thống kê cho thấy điều đa phần dân chúng Nga quan tâm là những vấn đề an sinh xã hội, trực tiếp liên quan tới đời sống hàng ngày như lương tháng, lương hưu, cải cách chế độ cho người nghỉ hưu, việc tăng giá các mặt hàng trên thị trường, tỷ giá ngoại tệ.
Những vấn đề được quan tâm tiếp theo là nhà ở và các công trình công cộng. Có người khiếu nại về chất lượng kém của các tuyến đường giao thông, về dịch vụ bảo dưỡng các khu nhà ở chưa tốt, về hoạt động kém hiệu quả của các công ty quản lý…
Những vấn đề về chính sách đối nội, đối ngoại, bao gồm những biểu hiện đối đầu với Nga, cấm vận Nga và phản đối cấm vận, tình hình mới trong quan hệ quốc tế, mối quan hệ với các nước SNG và Liên minh thuế quan, tình hình Ukraine… cũng được nhiều người dân đặt câu hỏi.
P.V