Nhìn lại lịch sử 60 năm trước, Hội nghị Á-Phi (ACC) đã được tổ chức lần đầu tiên ở Bandung (Ban-đung), Tây Java (Gia-va), Indonesia, từ ngày 18-24/4/1955, theo sáng kiến của Indonesia, Myanmar, Sri Lanka, Ấn Độ và Pakistan. Nó được xem như một biểu tượng về sự hồi sinh của các quốc gia châu Á và châu Phi. Sự kiện này đã tạo động lực đưa đến những biến đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới với sự ra đời của một loạt các quốc gia độc lập ở châu Á và châu Phi, tạo tiền đề cho sự ra đời Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam-Nam trong những thập kỷ qua.
29 nước đại diện cho hơn một nửa dân số thế giới đã tham dự hội nghị và nhất trí tuyên bố thúc đẩy kinh tế và hợp tác văn hóa Á-Phi, chống lại chủ nghĩa thực dân. Hội nghị Bandung đã mang một ý nghĩa quan trọng, đánh dấu thời điểm các quốc gia châu Á và châu Phi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị quốc tế, tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Trải qua 60 năm, bối cảnh thế giới đã thay đổi sâu sắc, Hội nghị Á-Phi lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho sự hợp tác giữa hai châu lục. Để tạo nên sự thành công của Lễ kỷ niệm lần thứ 60 Hội nghị Á-Phi cùng các sự kiện liên quan, Indonesia đã gửi lời mời đến 109 quốc gia châu Á và châu Phi cùng 17 nước quan sát viên và 25 tổ chức quốc tế tham dự các sự kiện quan trọng này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir (A-ma-na-tha Na-xơ), chương trình nghị sự của các sự kiện kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi sẽ bao gồm một cuộc họp quan chức cấp cao của các nước châu Á và châu Phi được tổ chức vào ngày 19-4 Hội nghị cấp Bộ trưởng vào ngày 20-4 và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Á-Phi vào ngày 21 và
22-4. Tổng cộng có 20 sự kiện đã được lên kế hoạch tổ chức trong dịp này.
Các diễn đàn thảo luận trong chuỗi sự kiện Á- Phi sẽ tập trung tăng cường hợp tác giữa hai châu lục cả về chính trị, văn hóa xã hội và các vấn đề kinh tế. Vấn đề an ninh trong các sự kiện và đảm bảo an toàn cho các đại biểu tham dự luôn được đặt lên hàng đầu. Indonesia đã sớm lập kế hoạch triển khai công tác này với nhiều đợt diễn tập các phương án, các tình huống khác nhau được đặt ra nhằm phán đoán tình hình để không xảy ra những bất ngờ. Thị trưởng thành phố Bandung, M. Ridwan Kamil (Rít-oăn Ca-min), khẳng định chính quyền địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng của châu Á và châu Phi.
Trong khi đó, cảnh sát Tây Java công bố có gần 9.000 nhân lực sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra các sự kiện, trong đó có sự phối hợp của các lực lượng quân đội, cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm và các tình nguyện viên. Tư lệnh các lực lượng vũ trang, Tướng Moeldoko (Mô-đô-cô) cho biết ngoài các lực lượng an ninh được triển khai tại các địa điểm diễn ra lễ kỷ niệm và các hoạt động liên quan cũng như tại các khách sạn các đoàn khách lưu trú, còn có một lực lượng lớn luôn được đặt trong chế độ sẵn sàng khi được huy động. Người dân của hai châu lục hy vọng và tin tưởng các quốc gia trong khu vực sẽ đoàn kết trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, giải quyết các xung đột, chiến tranh và ngăn ngừa tội phạm xuyên quốc gia.
Hội nghị Á-Phi cũng sẽ góp phần tăng cường sự hợp tác thiết thực và hiệu quả giữa các nước trong khu vực châu Á và châu Phi nhằm mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia trong công cuộc phát triển đất nước và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của khu vực cũng như thế giới.
Tinh thần bất diệt của Hội nghị Bandung 1955 sẽ tạo nền móng để các quốc gia thuộc hai châu lục Á và Phi đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực nhằm đối phó với những thách thức mới trong thế kỷ 21. Bên cạnh việc kế thừa, tôn vinh những kết quả đã đạt được, cũng cần tăng thêm nội hàm thời đại mới cho “tinh thần Bandung” để mở ra nhiều hơn các cơ hội cho các nước Á, Phi hướng tới sự hợp tác cùng thắng lợi, cùng phát triển.
Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Á-Phi 2015 cùng các sự kiện liên quan diễn ra từ 19-14/4 tại Indonesia sẽ là một dấu mốc mới, mở ra những vận hội mới cho quan hệ truyền thống của các quốc gia châu Á và châu Phi trong xu thế phát triển của thời đại.
Theo TTXVN