* Sự kiện
- Ngày 11-4-1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho điền chủ, nông gia Việt Nam. Trong thư, Người nhấn mạnh: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã. Hợp tác xã là gì? Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều.… Anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong cho nước thịnh, dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có hợp tác xã. Tục ngữ có câu: "Một cây làm chẳng nên non, nhiều cây chụm lại nên hòn núi cao".
- Ngày 11-4-1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài trả lời bạn đọc, bút danh Chiến sĩ đăng trên báo Nhân dân số 3665, trả lời câu hỏi “Làm thế nào để thực hiện việc mỗi người làm việc bằng hai?” của bạn đọc, Người giải thích rằng, làm việc bằng hai không có nghĩa là kéo dài giờ lao động gấp đôi mà “bất kỳ làm công việc gì đều phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần trách nhiệm, có tinh thần cố gắng gấp bội, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm mục đích làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Người biểu dương một số nhà máy, xí nghiệp và công nhân ở Hà Nội đã hưởng ứng phong trào này và đạt thành tích tốt.
- Ngày 11-4-1966: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện ở Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và Đảng bộ cơ sở “4 tốt”. Sau khi động viên những kết quả tích cực đạt được của cuộc vận động và Người chỉ rõ: “Tệ hơn nữa là trong chi bộ ấy còn có một số đảng viên và cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, cán bộ lãnh đạo, quan liêu mệnh lệnh nặng. Đảng cần phải thi hành kỷ luật thật nghiêm khắc những cán bộ mắc sai lầm đó”.
- Ngày 11-4-2001: Xuất bản bộ sách “Văn học Việt Nam thế kỷ XX”. Bộ sách do tập thể Hội đồng biên soạn Nhà xuất bản Văn học thực hiện với sự tham gia của Hội đồng tư vấn biên soạn gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lão thành như: Tô Hoài, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Hà Xuân Trường, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Nguyễn Văn Lưu. Văn học Việt Nam thế kỷ này có sự phát triển vượt bậc, đã có những tìm tòi, phát hiện, thể nghiệm đầy tính sáng tạo. Bộ sách gồm 6 quyển, được biên soạn theo thể loại, mỗi thể loại sắp xếp vào một quyển, mỗi quyển có nhiều tập. Cấu trúc của bộ sách gồm: Tiểu thuyết - truyện dài, truyện ngắn, các thể ký - tạp văn, thơ, lý luận - phê bình - nghị luận và kịch bản văn học.
- Ngày 11-4-2007: Bộ Chính trị ra các Quyết định hợp nhất Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương thành Ban Tổ chức Trung ương hợp nhất Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương hợp nhất Ban Kinh tế Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng thành Văn phòng Trung ương Đảng kết thúc hoạt động của bảy Đảng bộ khối Trung ương, lập Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương, lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương.
* Nhân vật
- Ngày 11-4-1887: Ngày mất Phạm Bành - thủ lĩnh nghĩa quân Ba Đình (Thanh Hóa).Ông sinh năm 1825, quê ở xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông đậu cử nhân khoa Giáp Tý (năm 1864), làm quan đến chức Án sát rồi làm đốc học. Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương của nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông đã treo ấn từ quan, về quê vận động sĩ phu và nhân dân khởi nghĩa. Trong khởi nghĩa Ba Đình, ông là thủ lĩnh thứ 2, sau Đinh Công Tráng. Để cứu mẹ và con trai, ông phải ra đầu thú quân Pháp, nhưng sau đó ông đã thắt cổ tự tử. Hành động này của ông tỏ rõ khí tiết của người anh hùng hào kiệt: chết để bảo toàn danh dự của người chiến sĩ chiến đấu chống ách xâm lược của thực dân Pháp.
Theo TTXVN