Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
|
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ |
Bên cạnh đó, ngành KH&CN cũng đồng thời tiến hành chuẩn bị những nền tảng cơ sở, như tham mưu xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật phục vụ cho những mục tiêu phát triển KH&CN trung hạn, dài hạn trong năm 2015 và đến năm 2020. Trong lĩnh vực nghiên cứu-triển khai (R-D), Ninh Thuận là một tỉnh vẫn còn khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, nhân lực..., so với nhiều tỉnh, thành khác trong nước nên trong các năm qua, các nhiệm vụ nghiên cứu ưu tiên tập trung vào thực hiện các chủ trương, định hướng trọng tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, như:
- Phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững: Nghiên cứu, xây dựng hệ thống canh tác tiên tiến nhằm xoá đói giảm nghèo bền vững ở các địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc các xã miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, như nuôi ong lấy mật, trồng cây ăn quả phân tán, trồng các giống cây lương thực mới năng suất cao tại thôn Đá Hang, Cầu Gãy, Ma Nới...; nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất nấm, rau theo hướng VietGap tại các xã Văn Hải, An Hải, Phước Thuận...; sản xuất lúa theo quy trình “1 phải, 5 giảm” tại huyện Ninh Phước.
- Phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản): Đã nghiên cứu sinh sản được tại địa phương các loại giống thủy sản nhân tạo như ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông, nuôi nâng cấp giống tôm hùm xanh, du nhập các giống rong từ Philippine, khảo nghiệm thành công giống nho mới NH01-152; tuyển chọn các giống lúa mới phù hợp với điều kiện tỉnh Ninh Thuận; đang nghiên cứu phát triển giống bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà; nghiên cứu thiết kế mẫu tàu cá truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, ứng dụng đèn LED cho nghề lưới vây xa bờ, xây dựng bãi cá nhân tạo.
- Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: Nghiên cứu ứng dụng hệ thống GIS quản lý và khai thác tài nguyên; dự báo và đề xuất các giải pháp khắc phục nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ; đánh giá và đề xuất giải pháp hạn chế tác động môi trường của việc khai thác Ti-tan; Điều tra, đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển tại khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, vịnh Phan Rang, Vĩnh Hy; Đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Cái và khả năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Phát triển sản xuất và các sản phẩm đặc thù của tỉnh: Nghiên cứu chế biến thực phẩm, nước uống từ rong sụn, cây măng tây; điều chế nước ót trong sản xuất muối thành một số hóa chất trong công nghiệp; chiết xuất hoạt chất Azadirachtin limonoid từ cây neem làm nguyên liệu để sản xuất chế biến; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng táo ta tại Ninh Thuận.
- Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả: Xây dựng mô hình điểm ứng dụng năng lượng mặt trời nối lưới; nghiên cứu đề xuất những giải pháp sử dụng hợp lý và hiệu quả hơn các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ứng dụng đèn LED trong đánh bắt hải sản nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải.
- Cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa của tỉnh, như: xây dựng mô hình xã hội học tập; mô hình quản lý du lịch cộng đồng; điều tra văn hóa phi vật thể tộc người Chăm và người Việt ở tỉnh Ninh Thuận; nghiên cứu xây dựng Giáo trình lịch sử tỉnh Ninh Thuận; từ điển Việt-Raglai, Raglai-Việt; sổ tay từ điển Chăm-Việt, Việt-Chăm.
- Trong lĩnh vực Y tế, các đề tài nghiên cứu về thiếu men Glucose-6-Phosphate dehydrogenase (G6PD) ở trẻ sơ sinh, nhiễm giun truyền qua đất đều đang được ngành Y tế ứng dụng trong công tác phòng trị bệnh tại tỉnh...
Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu mới, hoạt động chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu cũng đã được đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, đã chuyển giao kết quả của 50 đề tài, dự án cấp tỉnh cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, điển hình như giống nho mới NH01-152; các quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất phân bón hữu cơ, chiết xuất, tinh luyện dầu neem; các phần mềm: dự báo ngập lụt, hạn hán, từ điển điện tử Việt-Chăm, Chăm-Việt... mô hình “1 phải, 5 giảm” được nhân rộng trong thâm canh lúa đem lại năng suất từ 8-9 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống từ 20-30% và lợi nhuận cũng cao hơn từ 7-12 triệu đồng/ha… Các đề tài, dự án triển khai trong giai đoạn này đã góp phần đào tạo cho tỉnh 2 nghiên cứu sinh và hàng chục thạc sĩ.
Trong các năm vừa qua, công tác hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế cũng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN bao gồm các hoạt động hỗ trợ đa dạng, đa lĩnh vực như: Đổi mới, chuyển giao công nghệ-sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng như tổ chức khảo sát, nắm bắt hiện trạng và nhu cầu về đổi mới công nghệ tại 16 doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thẩm định 10 dự án, đề án đầu tư có dây chuyền công nghệ mới của các tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp tham gia chương trình kiểm toán năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Về sở hữu trí tuệ, trong 4 năm qua, đã hỗ trợ 48 doanh nghiệp đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm trong quá trình kinh doanh, tăng gần 500% so với cả giai đoạn 5 năm trước (2005-2010). So sánh với các địa phương lân cận thì số lượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của tỉnh ta được xây dựng trong giai đoạn này cũng rất cao, như cao hơn 5 lần so với Khánh Hòa, hơn 1,5 lần so với Bình Thuận; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ KH&CN để triển khai các dự án tuyên truyền, xây dựng và quảng bá các sản phẩm đặc thù của tỉnh, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho Ninh Thuận, thịt cừu; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Gốm Bàu Trúc, Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Măng khô Bác Ái, Rau an toàn Văn Hải, Rau an toàn An Hải, Táo Ninh Thuận, Tỏi Phan Rang, Nước mắm Cà Ná. Hay như phát triển thị trường công nghệ, hỗ trợ trên 15 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia các hoạt động chợ công nghệ (Techmart), hoạt động xúc tiến kết nối nhu cầu công nghệ nhằm phát triển thị trường công nghệ, tìm kiếm công nghệ mới để ứng dụng cho doanh nghiệp tại địa phương. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đã hỗ trợ được 12 doanh nghiệp áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và ISO 22000:2005, 6 doanh nghiệp được trao tặng giải Bạc Giải thưởng Chất lượng Quốc Gia.
Những kết quả nêu trên, không chỉ là kết quả công tác của ngành KH&CN, mà chính xác hơn, đó là kết quả của sự hợp tác vì mục tiêu phát triển KH&CN phục vụ kinh tế-xã hội, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hoạt động KH&CN trong và ngoài tỉnh, của các doanh nghiệp, của cá nhân các nhà khoa học có nhiều tâm huyết với tỉnh Ninh Thuận, dưới sự định hướng và chỉ đạo thống nhất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Vì vậy trong thời gian tới, ngành KH&CN cần phải tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò là hạt nhân trong điều phối, hợp tác KH&CN, nhằm tập trung nguồn lực, phấn đấu góp phần cùng các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động 175-CTr/TU ngày 11-3-2013 của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.