Thế nhưng, đây được xem là chuyện của người lớn còn đối với trẻ em không ít bậc phụ khuynh, cha, chú lại chưa quan tâm đến việc phải đội MBH khi tham gia giao thông. Có người còn viện lý do là người lớn chở, các cháu đâu tự đi mà lo!. Nhiều trường hợp học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện thậm chí là học sinh tiểu học cha mẹ “thương con” cũng đã sắm cho xe đạp điện để đi học nhưng lại không sắm cho chiếc MBH hoặc có nhưng không chú ý nhắc nhở con em đội mỗi khi đi xe.
Nhiều phụ huynh đưa đón con nhưng không đội MBH cho các em. Ảnh: Anh Tuấn
Thực ra, không phải đến bây giờ mới quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em mà từ những năm trước đây tại Nghị định 171 và nhiều văn bản cụ thể hóa Nghị định này đã nêu rõ. Tuy nhiên, việc chấp hành còn hạn chế trong đó có trách nhiệm của cơ quan chức năng chưa thật kiên quyết trong xử lý, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở người vi phạm mà chưa thực hiện xử phạt. Trước thực tế số vụ tai nạn giao thông tăng cao nhất là đối với lứa tuổi học sinh nên việc “lập lại trật tự” là rất cần thiết, đặc biệt là việc bắt buộc đội MBH cho trẻ em cần được thực hiện nghiêm túc trong năm ATGT 2015 này. Để quy định nói trên thực sự đi vào cuộc sống, theo chủ trương của Ủy ban ATGT quốc gia, từ ngày 6 đến 9-4 cả nước đồng loạt ra quân kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở các bậc phụ huynh đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông. Từ ngày 10-4 trở đi lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Tùy từng trường hợp cụ thể mức xử phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng theo Nghị định 171 của Chính phủ.
Qua số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, hàng năm trên toàn quốc có gần 2.000 trẻ em tử vong do TNGT, trong số này có tới trên 50% trường hợp do không đội MBH. Điều này cũng có nghĩa là hàng nghìn tiếng cười của trẻ thơ mãi tắt lịm bởi sự vô tâm của các bậc làm cha, làm mẹ đối với con em mình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mọi người chấp hành tốt quy định bắt buộc phải đội MBH cho trẻ em?. Thiết nghĩ đầu tiên phải là ý thức, tình thương và trách nhiệm của các bậc phụ huynh; riêng các nhà trường cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền và nhắc nhở học sinh có ý thức tự giác đội MBH khi tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng “nói đi đôi với làm”, kiên quyết xử lý các trường hợp đã nhắc nhở nhưng vẫn tái phạm...
Với thông điệp “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ” mong rằng các bậc phụ huynh đừng xem đây là chuyện nhỏ mà cần tự giác chấp hành, tự tạo thói quen đội MBH cho mọi trẻ em (không nhất thiết là 6 tuổi) khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn không chỉ cho riêng chính mình.
Tuấn Dũng