Nỗ lực ứng phó với tình hình hạn hán

(NTO) Tình hình hạn hán, thiếu nước năm 2015 tại Ninh Thuận đã có dấu hiệu từ mùa mưa năm trước. Mặc dù mùa mưa năm 2014 cũng kéo dài từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 12, tuy nhiên tổng lượng mưa trong năm chỉ đạt khoảng 50-60% so với tổng lượng mưa TBNN cùng thời kỳ.

Kể từ đầu năm đến nay, tại hầu hết các khu vực trên địa bàn toàn tỉnh không nơi nào có mưa. Bên cạnh đó, theo số liệu quan trắc được trong các tháng đầu năm 2015, tại Trạm Khí tượng Phan Rang có các trị số: Nhiệt độ không khí, lượng bốc hơi, số giờ nắng đều ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ; đặc biệt là trị số độ ẩm không khí trung bình ở mức thấp. Mực nước trên các sông, suối đang có xu thế giảm chậm và duy trì ở mức thấp, nhiều con suối nhỏ đã tắt dòng.

 
Nông dân các địa phương nỗ lực đào giếng sử dụng mạch nước ngầm bơm tưới cây trồng.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, đến thời điểm này, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh ở mức rất thấp so với mực nước dâng bình thường; trong đó, đã có 8/20 hồ chứa có mực nước dưới mực nước chết. Tổng dung tích các hồ chứa chỉ còn lại 21,7/192,2 triệu m3, đạt 11,3% (cùng thời kỳ năm 2014 là 33,7%).

Trong vụ đông-xuân 2014-2015, diện tích đất dừng sản xuất do thiếu nước tưới là 6.100 ha. Trong đó, cây lúa 3.214 ha, cây màu ngắn ngày 2.886 ha, gián tiếp gây thiệt hại trên 30.000 tấn lương thực (lúa, ngô) và cây hoa màu khác. Thiệt hại trực tiếp sản xuất đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 40,4 ha lúa gieo ngoài kế hoạch đã thiệt hại 100%; 135 ha cây rau màu giảm năng suất 50%; cây ăn quả (nho, táo) có 3 ha mất trắng và 77 ha không đủ nước tưới làm giảm năng suất 50%. Diện tích cây mía do nắng kéo dài thiệt hại trên 1.117,9 ha, mức thiệt hại từ 37-68%.

Đàn gia súc do thiếu nước uống nguồn, thức ăn làm suy dinh dưỡng, đã làm chết 297 con. Nguy cơ thiếu nước uống, nguồn thức ăn cạn kiệt do nắng hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng khoảng 150.000 con gia súc (bò, dê, cừu) tại các vùng hạn trọng điểm của tỉnh.

Trước tình hình khô hạn gay gắt, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống người dân, toàn tỉnh đã nỗ lực chủ động ứng phó với tình hình hạn hán. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tổ chức vận hành hết công suất 43 hệ thống cấp nước; tổ chức đấu nối, tiếp thêm nguồn nước từ Công ty Cấp nước để kịp thời cấp nước sinh họat cho người dân vùng nông thôn đang rất cần nguồn nước và chất lượng nguồn nước.

Tại các xã nằm trong vùng hạn nặng, người dân đã chủ động đào trên 25 ao dưới lòng suối để tìm nguồn nước, tận dụng mạch nước ngầm, lấy nước uống cho gia súc. Người dân đã chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng hạn nặng về chăn thả dọc kênh, mương, sông, suối để chủ động nguồn nước.

Nông dân xã Phước Nam (huyện Thuận Nam) trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Duy trì tổ dùng nước để chủ động điều tiết tưới luân phiên, tiết kiệm theo phương pháp (nông-lộ-phơi) cho 12.880 ha cây lúa vụ đông-xuân 2014-2015. Tại các xã ven biển huyện Ninh Hải, Ninh Phước, nhân dân tự bỏ kinh phí đào ao để lấy nước uống cho gia súc, cứu cây trồng (nho, táo và hoa màu), với số lượng 80 ao, giếng, kinh phí ước tính 2,5 tỷ đồng. Triển khai áp dụng Mô hình tưới tiết kiệm nước tại các vùng khô hạn trên cây nho, táo, hành, tỏi, rau đậu các loại, quy mô 225 ha. Trong đó, cây nho 85 ha; rau màu, hành tỏi 140 ha. Chuyển dịch cây trồng từ đất canh tác lúa sang trồng cây trồng sử dụng ít nước, quy mô 50 ha, gồm cây đậu xanh 15 ha, cây đậu đen 5 ha, dưa hấu 35 ha, để có thu nhập và dùng thân đậu làm thức ăn cho gia súc.

Về kế hoạch sản xuất vụ hè-thu năm 2015, do nguồn nước của các hồ trên địa bàn tỉnh đã cạn kiệt, không đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất. Vì vậy, trên cơ sở nguồn nước xả từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè-thu năm 2015 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, địa phương.