Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì phiên họp thứ VIII của Ban Chỉ đạo nhà nước
về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tại phiên họp thứ VIII của Ban Chỉ đạo, chiều 9/4, tại tỉnh Đăk Lăk.
Trước đó, trực tiếp đến huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), Krông Bông (Đăk Lăk), Tuy Đức (Đăk Nông), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát, tìm hiểu hoạt động một số mô hình bảo vệ, phát triển rừng bền vững, sắp xếp các lâm trường, các dự án trồng rừng, đảm bảo đời sống bà con dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Điểm nổi bật của năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, hàng loạt hoạt động được triển khai, đẩy mạnh như: Kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ...
Phản ánh từ các địa phương cho thấy sự tích cực, chủ động hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp được triển khai, việc thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho người sản xuất có thêm nguồn lực bảo vệ và phát triển rừng. Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu có nhiều thuận lợi. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 7,09%, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,54 tỷ USD là các chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2014, đã dừng toàn bộ khai thác gỗ rừng tự nhiên trong cả nước. Tuy nhiên, vẫn duy trì tốt sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung đạt 10,3 triệu m3, bằng 103% kế hoạch năm, tăng 29% so với năm 2013.
Đến nay đã có 37 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, huy động nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, đạt mức thu hơn 1.335 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác đạt 7.870/67.750 ha theo yêu cầu.
Khắc phục các điểm yếu
Bên cạnh việc ghi nhận những mặt tích cực trong bảo vệ, phát triển rừng thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ và yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục đôn đốc các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng ngày càng cao.
Đó là việc trồng rừng phòng hộ, đặc dụng đạt thấp, cả năm mới đạt 68% kế hoạch. Tương tự là trồng rừng thay thế chưa đạt yêu cầu, nhất là ở các dự án thủy điện mới đạt 22% kế hoạch năm. Công tác phòng cháy, chữa cháy phức tạp, tổng diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng là 1.775,69 ha, tăng 804,4 ha so với năm trước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm mô hình trồng rừng tại Đăk Nông. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đặc biệt, từ kết quả thị sát thực tế rừng Tây Nguyên, Phó Thủ tướng phân tích về những vấn đề nổi cộm của công tác quản lý rừng, nhất là việc diện tích rừng tiếp tục giảm.
“Có thể thấy việc giảm diện tích rừng vẫn do nguyên nhân chủ quan là chính, từ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác… đến những khó khăn, chưa ra được các mô hình hướng đi thực sự vừa bảo vệ, phát triển rừng đi đôi với đảm bảo sinh kế của người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ quan điểm tiếp tục kiên định mục tiêu bảo vệ chặt chẽ rừng tự nhiên hơn nữa, không đồng ý với một số ý kiến cho rằng cần xem xét quay lại khai thác có chọn lọc loại rừng có giá trị kinh tế cao này.
Trước các khó khăn được phản ánh trong việc bảo vệ, trồng rừng như mức đầu tư cho trồng rừng phòng hộ, đặc dụng thấp do chậm được điều chỉnh, Phó Thủ tướng cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan liên quan sớm xây dựng, trình Chính phủ xem xét 2 vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là vốn và chính sách rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2015, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Nguồn www.chinhphu.vn