Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 58/261 điều của Bộ luật Hàng hải hiện hành, bao gồm một số quy định về công tác quản lý nhà nước, bổ sung điều chỉnh một số phương tiện, thiết bị, công trình biển, cụ thể hóa một số quy định Hiến pháp về bảo vệ quyền công dân và sửa đổi, bổ sung một số nội dung mang tính kỹ thuật khác.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát biểu tại phiên họp của UBTVQH.
(Ảnh: TTXVN)
Để thuận tiện trong hợp tác quốc tế về chuyên ngành hàng hải, dự thảo Luật bổ sung cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.
“Việc khẳng định vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi cho việc thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành được hiệu quả, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với đặc thù của ngành hàng hải“, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một điều quy định về phí, lệ phí hàng hải, giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận chuyển chuyên tuyến.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đặt vấn đề: Việc sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh ngành hàng hải, phát triển chiến lược biển hay chưa? Nếu sửa đổi 58 điều này chưa thể bao hàm hết được những chính sách về biển hay mới chỉ sửa đổi mang tính thủ tục?.
Tán thành việc bổ sung cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, hàng hải là lĩnh vực có phạm vi quản lý rộng, tính quốc tế hóa cao, đòi hỏi phải có sự quản lý chuyên sâu; hiện nay công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã được giao Cục Hàng hải Việt Nam (Quyết định số 26/2009/QĐ-TTg ngày 20/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam ); việc bổ sung này là để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong hoạt động hàng hải, bảo đảm sự chủ động trong hoạt động nhưng vẫn chịu sự quản lý thống nhất, sự lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, đề nghị cần giải trình cụ thể hơn về cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm cần gom tất cả các loại phí, lệ phí vào dự thảo Luật Phí và lệ phí. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển chỉ ra, dự thảo Luật có nhắc đến phí bảo đảm hàng hải, song bảo đảm hàng hải có rất nhiều loại nên cần liệt kê rõ ra, “chứ không phải tùy tiện cứ bảo rằng đấy là phí nhà nước để thu”.
Ngoài ra, phí và lệ phí chỉ được xác định với nhóm dịch vụ công do Nhà nước phục vụ, còn lại tất cả đều phải chuyển sang cơ chế giá dịch vụ để tránh tình trạng sử dụng phí, lệ phí tùy tiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu khác đề nghị ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan trong các đạo luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Biển Việt Nam, Pháp lệnh kiểm ngư, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển... để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh trùng lắp với các luật khác; so sánh, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để có những quy định phù hợp trong Luật.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam