IPU-132 góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào báo cáo kết quả Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo về kết quả của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho biết: Về cơ bản, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò nước chủ nhà cũng như thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm trong Đại hội đồng IPU-132. Đây là hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức với sự tham gia của gần 2.000 khách quốc tế, với 174 đoàn, 715 nghị sỹ của 133 nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Đại hội đồng còn thu hút sự tham dự của 23 quan sát viên, 9 thành viên liên kết của IPU và 9 khách mời của IPU. Đặc biệt, IPU-132 có sự tham dự của 51 Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện; 49 Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện và lãnh đạo các tổ chức quốc tế, khu vực quan trọng tới tham dự. Gần 100 phóng viên báo chí nhiều quốc gia trên thế giới đã tới dự và đưa tin về sự kiện ngoại giao nghị viện này. Chủ tịch và Tổng thư ký IPU đều cho rằng, đây là một trong những kỳ Đại hội đồng được tổ chức tốt nhất trong hơn 30 năm qua, đánh giá cao nước chủ nhà Việt Nam không chỉ đóng góp tích cực cho công tác tổ chức mà còn tham gia đề xuất chủ đề của Phiên thảo luận toàn thể, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào các dự thảo nghị quyết và văn bản của các phiên họp.

Đại hội đồng IPU-132 đã thông qua được các văn kiện chính. Trong đó, “Tuyên bố Hà Nội” là văn kiện quan trọng nhất đã được thông qua, thể hiện sự chủ động, tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Trong tiếp xúc chính thức cũng như bên lề Đại hội đồng, các đoàn tham dự đều đánh giá cao công tác tổ chức và sự đón tiếp nhiệt tình của nước chủ nhà Việt Nam. Công tác lễ tân, an ninh, y tế, hậu cần được đảm bảo. Qua IPU-132, các đại biểu quốc tế bày tỏ ấn tượng về hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, Quốc hội Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực của IPU.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng IPU-132 khẳng định: Đây là hội nghị quốc tế đạt được thắng lợi sâu sắc, toàn diện về mọi mặt chính trị, ngoại giao, văn hóa, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội. Đây cũng là đánh giá chung của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, IPU-132 đã làm thay đổi hình dung của bạn bè quốc tế về Việt Nam. Các hoạt động bên lề như tham quan các danh thắng, tham dự đêm hội đoàn kết nghị viện đã góp phần cho bạn bè thế giới thấy một nước Việt Nam giàu bản sắc, con người Việt Nam thân thiện, mến khách.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, thành công lớn nhất của IPU-132 là về mặt nội dung, trong đó có sự tham gia tích cực và các sáng kiến của đoàn Việt Nam. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nội dung của IPU thành công có sự lan tỏa không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới. Bạn bè thế giới đánh giá cao Việt Nam có sáng kiến từ chủ đề, nội dung liên quan đến Tuyên bố, tổ chức kỷ niệm 30 năm nữ nghị sĩ IPU... Đặc biệt, kết thúc IPU-132 đã ra Tuyên bố Hà Nội.

Các đại biểu đề nghị, thời gian tới Quốc hội cần cụ thể hóa các Nghị quyết và Tuyên bố Hà Nội đã được thông qua tại IPU-132 vào các hoạt động của mình, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đại hội đồng IPU-132 là thành công lớn của Liên minh nghị viện thế giới; là sự kiện nâng cao uy tín, vị thế của IPU. Đặc biệt là chủ đề của Đại hội đồng lần này hoàn toàn phù hợp với việc xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 (tháng 9/2015).

Đối với Việt Nam, đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, ngoại giao của đất nước thể hiện qua những nội dung, chủ đề được đề xuất tại các diễn đàn đều nhận được sự quan tâm chung, mang tính toàn cầu và tạo được sự đồng thuận lớn. Đại hội đồng IPU-132 còn là một sự kiện mang tính văn hóa cao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Ngoài công tác nội dung, đây còn là thành công của các lĩnh vực: An ninh, y tế, lễ tân…và đặc biệt là công tác tuyên truyền, báo chí. Đây là kết quả của chỉ đạo chặt chẽ từ Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội, sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, triển khai tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương các cơ quan, tổ chức, địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp các báo cáo về Đại hội đồng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội; đồng thời tiếp tục tuyên truyền về thành công của sự kiện này gắn với việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Việt Nam tới các diễn đàn khu vực, toàn cầu mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời có kế hoạch triển khai những nội dung cam kết từ kết quả của Đại hội đồng.

Cũng trong chiều 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Các nội dung của dự thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý trong buổi làm việc chiều 8/4 là những vấn đề: Thưởng vượt thu ngân sách Nhà nước; ứng trước dự toán năm sau; chuyển nguồn ngân sách; quy trình ngân sách…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Ủy ban này hiện có hai nhóm ý kiến khác nhau trong việc xử lý thưởng vượt thu ngân sách Nhà nước. Theo đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật ngân sách Nhà nước hiện hành đó là tính thưởng dựa trên số thu các khoản phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Cơ quan thẩm tra các dự án luật về tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng phân tích: Phương án này có ưu điểm là đã được áp dụng nhiều năm, ổn định nhưng có nhược điểm là khu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Song phần vượt dự toán của Trung ương thưởng cho địa phương là chưa hợp lý; mặt khác, không khuyến khích được các địa phương tích cực thu phần ngân sách Trung ương được hưởng 100%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án này.

Song cũng có ý kiến đề xuất phương án quy định mức thưởng không quá 20% các khoản thu của ngân sách Trung ương hưởng 100% trừ thu từ dầu thô, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với đề xuất này. Phương án này có ưu điểm là khuyến khích các địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách và có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng cũng có nhược điểm là nếu như không có sự quản lý chặt chẽ ở địa phương, cũng có trường hợp vì quyền lợi của các địa phương mà gây ra những hoạt động bất thường về nhập khẩu hàng hóa thông qua các cửa khẩu.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam