Chợ đêm Thanh niên… chưa thu hút khách
Tháng 11-2013, Trung tâm Hoạt động Thanh-thiếu niên tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ giải trí Gia Bình thành lập chợ đêm Thanh niên. Chợ có tổng số vốn đầu tư trên 100 triệu đồng, với thiết kế ban đầu là 50 gian hàng, đặt trong khuôn viên của Trung tâm Hoạt động Thanh-thiếu niên tỉnh, bắt đầu hoạt động từ 16 giờ đến 22 giờ hằng đêm. Mục tiêu khi thành lập chợ là làm giảm hàng rong, hàng vỉa hè, đồng thời góp phần giúp các đoàn viên, thanh niên, hộ gia đình trẻ khởi nghiệp
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, chợ đêm Thanh niên vẫn chỉ lèo tèo hơn 10 gian hàng, chưa có được không khí mua sắm. Lượng khách duy trì mỗi đêm rất ít, chỉ dao động vài ba chục người. Chị Lê Thị Mẹo, chủ gian hàng giày dép và đồ chơi trẻ em cho biết: Tiểu thương ở chợ đêm Thanh niên gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng rong, hàng vỉa hè. Trong khi đó, đa số người dân và du khách vẫn chưa biết đến hoạt động của chợ đêm Thanh niên, chính vì vậy, lượng khách hàng của chúng tôi không nhiều, chủ yếu là khách quen hoặc qua giới thiệu của bạn bè, người thân.
Du khách quốc tế mua nho do nông dân Ninh Thuận sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Trước đó, vào đầu năm 2011, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm cũng đưa vào hoạt động chợ đêm Phan Rang tại khu vực xung quanh Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tuy nhiên, sau vài tháng hoạt động, chợ đêm này làm mất mỹ quan đô thị, khiến hình ảnh khu vực trung tâm thành phố bị “mất điểm”, nên cũng bị “giải tán”. Các tiểu thương lại “tự túc” chỗ kinh doanh, tìm kiếm những vị trí vỉa hè thuận lợi để bày bán hàng hóa.
Cần quy hoạch hợp lý
Sự thiếu hiệu quả của 2 chợ đêm kể trên cần được xem như “bài học kinh nghiệm” mà ngành chức năng địa phương phải hết sức quan tâm, cân nhắc trong quy hoạch hoạt động kinh doanh buổi tối ở Tp. Phan Rang–Tháp Chàm. Cần phải nhìn nhận rằng, chợ đêm là mô hình kinh doanh hay, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhiều người, vừa là “địa chỉ” du lịch cho du khách trong và ngoài nước. Du lịch chợ đêm luôn là một trải nghiệm thú vị, mang tính đặc sắc với những gian hàng bày bán đồ lưu niệm hay đặc sản địa phương, ẩm thực độc đáo hay các mặt hàng thời trang giá rẻ. Một số mô hình chợ đêm ở các thành phố du lịch như Đà Lạt (Lâm Đồng), “phố đi bộ” ở Nha Trang (Khánh Hòa) hay chợ đêm Phan Thiết (Bình Thuận) đều đã mang lại hiệu quả, thúc đẩy thương mại và du lịch địa phương phát triển.
Mặt khác, do quy luật cung–cầu của thị trường, hàng rong, hàng vỉa hè ngày càng nhiều. Cứ tầm 17 giờ, khắp các con phố trên địa bàn Tp. Phan Rang–Tháp Chàm lại như khoác lên một “bộ mặt” mới với cơ mang nào là hàng hóa, từ quần áo, giầy dép, đến túi xách, thắt lưng, ví da, đồ chơi trẻ em,… làm mất mỹ quan đô thị. Giải quyết tình trạng này bằng cách cấm kinh doanh hay “tung” lực lượng trật tự đô thị ra đường để “siết lại” đều chỉ là giải pháp trước mắt, nhất thời, lại không tạo ra được con đường sinh kế cho bà con tiểu thương. Chính vì vậy, việc xây dựng chợ đêm để tập trung hàng rong, hàng vỉa hè vừa tạo điều kiện cho các tiểu thương ít vốn có địa điểm kinh doanh, mua bán ổn định, đồng thời hỗ trợ các mặt hàng sản xuất trong nước, nhất là đặc sản địa phương có điều kiện tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Bài toán đặt ra cho ngành chức năng không chỉ là lựa chọn địa điểm xây dựng chợ đêm sao cho phù hợp, mà còn phải tính đến phương án quảng bá, tuyên truyền để tập trung được các tiểu thương kinh doanh hàng rong, hàng vỉa hè vào chợ, đồng thời giới thiệu rộng rãi đến nhân dân và du khách, tạo thói quen mua sắm mới cho mọi người.
Bảo Bình