Còn lại các loại cây hoa màu khác ở những vùng “ăn” nước của các trạm bơm Bảo Vinh, trạm bơm Liên Sơn, hệ thống kênh Nam, hệ thống hồ Lanh Ra. Xã huy động nhân dân sử dụng máy bơm, khôi phục lại các giếng, ao, hồ…, đồng thời nạo vét các tuyến mương cũ để dẫn nước tưới. Với phương châm không để nhân dân tự phát trong sản xuất, xã đã chỉ đạo nông dân chỉ sản xuất ở những vùng có diện tích chủ động nước tưới.
Nông dân nạo vét hệ thống kênh nương.
Đi thực địa cùng cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đến thôn Liên Sơn 1, nhiều nông dân đang tất bật đào giếng, đào ao… tìm nguồn nước. Lão nông Võ Văn Sơn chia sẻ: Trước đây, ở khu vực đất rẫy của gia đình có một cái giếng nhưng trong thời gian khô hạn kéo dài, giếng không còn nước. Mình đã bỏ ra 30 triệu đồng để thuê nhân công, mua máy chạy nước, ống nước, dây diện… đào một cái giếng mới với độ sâu khoảng 30 m, giờ đã tìm thấy nguồn nước, nên rất phấn khởi, để kịp thời cứu 3 sào cà pháo đang cho trái sắp thu hoạch và có nước tưới để trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn cừu. Có nguồn nước, gia đình chuẩn bị xuống giống 1,7 ha bắp lai.
Tại thôn Phước An 3, nhiều nông dân cũng đang nạo vét các kênh nương, phát quang cây dại dọc theo kênh mương, tạo thông thoáng. Mỗi gia đình có cách làm linh hoạt để tiết kiệm nước tưới sản xuất phù hợp với diện tích.
Đi qua cánh đồng trồng đậu xanh, dưa hấu, đậu phộng… đang xanh tốt ở thôn Phước An 1 và trò chuyện với nông dân Lê Văn Tùng, anh cho hay: Khi nghe xã thông báo tình hình khô hạn, gia đình đã chuyển 2 sào trồng hành lá sang trồng dưa hấu, loại cây này thích hợp với điều kiện nắng nóng, tưới nước ít hơn so với trồng hành lá.
UBND xã Phước Vinh cũng đã tuyên truyền, vận động bà con trồng những loại cây ngắn ngày, áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước. Tại những vùng không sản xuất được thì cày ải, phơi đất để khi có mưa mới sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ thủy nông xã cho biết: Khu vực sản xuất nằm trong vùng “ăn” nước của hồ Lanh Ra, Ban Quản lý hồ đã có thông báo lịch xả nước hàng tuần (từ thứ 2 đến thứ 6), từ 6h sáng–5h chiều. Theo đó, xã đã chỉ đạo bà con chủ động dự trữ lấy nước để tưới cho cây trồng ổn định. Người dân xã Phước Vinh còn chủ động trồng thêm cỏ, dự trữ các loại thực phẩm khác như: rơm khô, lá tươi của bắp cũng như nguồn nước tại các ao để bảo đảm nước uống cho đàn gia súc.
Kỹ thuật chăm sóc cừu mùa khôTrong mùa khô hạn, để chăm sóc cừu tốt, cần làm chuồng kiểu sàn, cách mặt đất từ 0,8-1 m, khe hở mặt sàn 1,5 cm. Máng ăn bố trí sát mặt ngoài sàn. Cần thực hiện vệ sinh hằng ngày. Mỗi tháng tẩy uế chuồng 1 lần bằng vôi bột hoặc Dipterex. Thức ăn của cừu là cỏ tươi, rơm, các loại dưa, bí, cà rốt, củ cải, ngô ủ chua... Vào mùa khô hạn, có thể cho ăn thêm thức ăn tinh như cám, bột ngô, bột sắn, Premix, khoáng và vitamin. Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch. Tắm chải cho cừu 2-3 lần/tháng. Tẩy giun sán, tiêm phòng bệnh theo định kỳ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện một số bệnh để kịp thời điều trị.
Phan Hiếu - Anh Trang