Ninh Thuận: Hội thảo khoa học Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang- Ý nghĩa và bài học lịch sử

 (NTO) Ngày 8-4, UBND tỉnh phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: Đập tan “lá chắn thép” Phan Rang- Ý nghĩa và bài học lịch sử. Tham dự hội thảo, về phía Bộ Quốc phòng có: Trung tướng Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng-PGS.TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại tá PGS.TS Dương Hồng Anh, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tham dự hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Bộ CHQS các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Về phía tỉnh ta, tham dự  có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tham dự còn có các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, sĩ quan Quân đội; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương. 

Đoàn Chủ tịch Hội thảo 

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.
 
 
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo.
 
 
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Thủy, Thường trực Tỉnh ủy

và các đại biểu dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của trận đánh đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận trong cuộc hành quân thần tốc của Cánh quân duyên hải tiến vào giải phóng Sài Gòn, tạo đà mạnh mẽ cho quân và dân cả nước chớp thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...(Mời xem toàn văn bài phát biểu khai mạc của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh).

Thiếu tướng PGS.TS Đậu Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật Quân sự phát biểu tại Hội thảo.
 
 
Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Phan Hữu Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tại Hội thảo.

Từ đề dẫn do Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trình bày, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ và sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản trong chiến thắng Phan Rang (16-4-1975): Làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi xây dựng “tuyến phòng thủ từ xa”; khẳng định tầm nhìn và tài thao lược sáng tạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong chỉ đạo chiến lược tiến công với tư tưởng: thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; làm rõ tinh thần đoàn kết, chủ động, quyết đoán, dũng cảm, linh hoạt, sáng tạo, truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường của các lực lượng tham gia trận đánh lịch sử; sự hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng, nét đặc sắc về nghệ thuật của trận đánh Phan Rang; bài học kinh nghiệm vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh hiện nay...

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các đại biểu  tại Hội thảo.
 
 
Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo.
 
 
Anh hùng LLVT Pinăng Thạnh và Anh hùng LLVT Chamaleá Châu trao đổi với thanh niên tại Hội thảo.
 
 
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu góp phần vào thành công Hội thảo. Đồng chí đề nghị sau Hội thảo này các nhà trường, cơ quan, đơn vị cần tạo lan tỏa tinh thần của Hội thảo thành hành động thực tiễn, vừa giáo dục, vừa phát huy truyền thống trong xây dựng quê hương...(Mời xem toàn văn phát biểu).

--------------------------------------

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học:
Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử

- Kính thưa các đồng chí Đại biểu đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Ninh Thuận

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sỹ quan;

- Thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí!

Hôm nay, trong không khí phấn khởi của những ngày tháng Tư lịch sử, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tập trung triển khai thi đua lập thành tích hướng tới chào mừng 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ Quốc (30/4/1975 – 30/4/2015), 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2015), tại mảnh đất Ninh Thuận lịch sử, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Phan Rang và giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16/4/1975 – 16/4/2015), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thay mặt Ủy Ban nhân dân tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí về dự Hội thảo quan trọng này. Chúc các đồng chí mạnh khỏe và hạnh phúc; chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí!

Cách đây 40 năm vào Mùa xuân 1975, trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, chính quyền Việt Nam Cộng hòa vội vã tổ chức “Tuyến phòng thủ từ xa”, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh. Trong đó Phan Rang được chính quyền Sài Gòn coi là “Lá chắn thép” nhằm chặn đứng cuộc tiến công thần tốc của ta, giữ vững Sài Gòn và những phần đất còn lại hòng tìm ra một giải pháp chiến lược mới để trên cơ sở đó mặc cả với chính quyền cách mạng những toan tính có lợi cho chúng. Với âm mưu đó, Mỹ - chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường và bố trí tại đây một lực lượng lớn cùng nhiều phương tiện chiến tranh, có sự yểm trợ của không quân và hải quân. “Lá chắn thép” Phan Rang trở thành tập đoàn phòng ngự mạnh, nơi “tử thủ đến cùng”, là niềm hy vọng của Mỹ - chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong cơn tuyệt vọng khốn cùng.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược thần tốc, táo bạo, sáng tạo, chắc thắng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Cánh quân Duyên hải phối hợp cùng với các lực lượng tại chỗ, trong đó có quân và dân tỉnh Ninh Thuận nhanh chóng đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận đã trước sự bất lực, hoảng loạn của đối phương, cùng với chiến thắng Xuân Lộc sau đó đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Cùng với chiến thắng của các chiến dịnh Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Chiến thắng đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang có ý nghĩa to lớn về quân sự và chính trị, làm lung lay tận gốc hệ thống phòng ngự xung quanh Sài Gòn của Mỹ - chính quyền Việt Nam Cộng hòa, làm phá sản hoàn toàn âm mưu co cụm chiến lược của chúng, buộc Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.

Thưa các đồng chí!

Cuộc Hội thảo hôm nay còn là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Phan Rang và giải phóng tỉnh Ninh Thuận; 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; qua đó hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, tinh thần quật khởi và truyền thống đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Với tầm vóc lịch sử to lớn như vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử là một việc làm cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc. Cuộc hội thảo này nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm sáng tỏ thêm sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương - Nhân tố quyết định giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 nói chung và trong việc đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn nói riêng; bối cảnh lịch sử trước, trong và sau khi ta mở các đợt tiến công nhằm đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang của địch; âm mưu và thủ đoạn co cụm chiến lược của Mỹ và quân đội Sài Gòn khi hình thành tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang nhằm bảo vệ Sài Gòn và chống phá cách mạng đến cùng; nêu bật được tính chủ động, tích cực của Quân ủy Trung ương, Bộ chỉ huy Cánh quân Duyên Hải, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 6; các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh cực Nam Trung bộ; đặc biệt là tái hiện đặc điểm tình hình, diễn biến, tính chất và nét đặc sắc về nghệ thuật sử dụng sức mạnh tổng hợp của 2 lực lượng: chính trị quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang; sự phối hợp giữa 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên chiến trường Ninh Thuận trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thực hành chiến đấu đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ngày 16/4/1975; tầm vóc, ý nghĩa của trận đánh Phan Rang và giải phóng tỉnh Ninh Thuận, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Thưa các đồng chí!

Tổ chức cuộc Hội thảo hôm nay còn là dịp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân tỉnh Ninh Thuận trong 30 năm chiến tranh giải phóng, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công lao và những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ làm nên chiến thắng lẫy lừng. Kết quả của cuộc Hội thảo hôm nay cùng những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng này sẽ vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta tiếp tục kế thừa, phát triển nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Trên tất cả tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử.

Xin trân trọng cảm ơn!

--------------------------------------------------

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo:
Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử

- Kính thưa các đồng chí Đại biểu đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương và Bộ Quốc phòng và tỉnh Ninh Thuận;

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sỹ quan;

- Thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học cùng toàn thể các đồng chí!

Với tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, Hội thảo khoa học: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử đã thành công và thu được kết quả tốt đẹp.

Trong cuộc Hội thảo này, chúng ta vinh dự được đón các đồng chí đại diện lãnh đạo cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng; các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh sỹ quan nguyên là lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu trong Cánh quân Duyên Hải, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Quân khu 6 (cũ), một số Sư đoàn từng tham gia giải phóng Ninh Thuận trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Thuận; các đồng chí đại biểu Quân khu 5, 7 và một số tỉnh lân cận; các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội cùng các đồng chí phóng viên, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương đến dự và đưa tin Hội thảo.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo.

Tham gia Hội thảo này đã có gần 60 tham luận gửi tới Ban tổ chức và đã được biên tập, in thành Kỷ yếu gửi tới các quý vị đại biểu. Tại Hội thảo hôm nay chúng ta đã được nghe 17 tham luận và báo cáo của các đại biểu với nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và nội dung quan trọng, nhiều khía cạnh mới về trận đánh lịch sử đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - tuyến phòng thủ từ xa của Mỹ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, mở toang cánh cửa cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Hội thảo, tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đồng chí lão thành cách mạng; cảm ơn các đồng chí nguyên lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ, các nhân chứng lịch sử; các quý vị đại biểu, phóng viên, báo chí cùng tất cả các đồng chí đã đến dự và đóng góp cho thành công của Hội thảo.

Tôi xin chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trên tất cả các mặt, đặc biệt là các đồng chí trong Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã trực tiếp tham mưu cho tỉnh về mọi mặt góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội thảo.

Tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương tinh thần cố gắng của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Nội dung, Ban Tổ chức bảo đảm hội thảo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thành công Hội thảo.

Thưa các đồng chí!

Thành công của Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trong bản Báo cáo tổng hợp các tham luận vừa trình bày. Thay mặt Ban chỉ đạo Hội thảo, tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

Một là: Đứng trước âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa khi dựng lên “Lá chắn thép” Phan Rang, nhằm bảo vệ Sài Gòn và những phần đất còn lại, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo Cánh quân Duyên Hải kịp thời phối hợp với các lực lượng tại chỗ thần tốc, chủ động, sáng tạo kiên quyết đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận. Trận đánh Phan Rang là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Ninh Thuận nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Chiến thắng đó khẳng định tư tưởng thần tốc, táo bạo; tinh thần quyết chiến quyết thắng, chủ động, sáng tạo của quân và dân ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tất cả các nội dung trên đều được phản ánh, đánh giá sâu sắc trong cuộc Hội thảo khoa học này.

Hai là: Tại cuộc Hội thảo này đã có nhiều ý kiến phát biểu, tham luận của các đồng chí nguyên là lãnh đạo, sỹ quan, bộ đội các đơn vị thuộc cánh quân Duyên Hải, các nhân chứng lịch sử. Những ý kiến và tham luận đó đã cung cấp nhiều tư liệu quý về trận đánh Phan Rang. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều tư liệu quý vẫn còn thất lạc, tản mát. Mặt khác, cùng với thời gian, những nhân chứng lịch sử trong hai cuộc chiến tranh, nguồn tư liệu sống ngày dần ít đi, số các đồng chí còn lại vì nhiều lý do chưa có điều kiện mời tới dự hôm nay. Vì vậy, sau cuộc Hội thảo này rất mong các đồng chí tiếp tục sưu tầm, cung cấp nhiều tư liệu, sự kiện liên quan tới chiến thắng Phan Rang và giải phóng tỉnh Ninh Thuận, để các cơ quan nghiên cứu bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng thời làm cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Ba là: Các tham luận khoa học về đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang đã được tổng hợp, in thành cuốn kỷ yếu Hội thảo và gửi tới các quý vị đại biểu, các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài tỉnh. Đây là tài liệu có giá trị trong nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục về lịch sử cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội cần tích cực phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, học tập và xây dựng của cơ quan, đơn vị mình.

Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội thảo khoa học: Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn tất cả các quý vị đại biểu và các đồng chí. Kính chúc các quý vị đại biểu cùng gia đình dồi dào sức khỏe, thành đạt và thu được nhiều thắng lợi.

Xin trân trọng cảm ơn!

--------------------------------------------------

Đại tá, PGS, TS Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
tổng thuật Hội thảo “Đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang – Ý nghĩa và bài học lịch sử”

Mời xem toàn văn tại đây