Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần

Các chỉ đạo định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển năm 2015 trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ, các yêu cầu quyết liệt trong cải cách hành chính, tiêu thụ nông sản, an sinh xã hội,… là những hoạt động nổi bật của lãnh đạo Chính phủ tuần qua.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2015.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

* Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015, nhiệm vụ trọng tâm, bao quát mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu là phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,2%; tiếp tục giữ vững ổn định về tỷ giá; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để chủ động đề ra các giải pháp linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với phát triển nông nghiệp, công nghiệp; giữ vững đà tăng trưởng của công nghiệp, xuất khẩu.

Một số lĩnh vực quan trọng cũng được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, trong tái cơ cấu DNNN, ngoài 289 DNNN cổ phần hoá trong năm nay, các bộ, ngành cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa, không chỉ trong cổ phần hoá doanh nghiệp, mà cần bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi chung tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015; triển khai nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tiếp thu, điều chỉnh các quy định hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội.

Nêu rõ các “địa chỉ” có nguy cơ nảy sinh tham nhũng lớn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tiếp đến là trong thu ngân sách thuế, hải quan, sử dụng ngân sách, mua sắm, đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng phải chủ động việc rà soát hoàn thiện, cải cách thể chế để chủ động phòng chống “quốc nạn” này.

Theo Thủ tướng, trong phòng, chống tham nhũng thì vấn đề cơ chế, thể chế, thủ tục có ý nghĩa quan trọng. Vì ban hành thêm bao nhiêu thủ tục là có thêm bấy nhiêu “nguy cơ nhũng nhiễu, phong bì”, bớt được một thủ tục không cần thiết là giảm thêm một nguy cơ tham nhũng. Nói cách khác, trong phòng, chống tham nhũng, bên cạnh các việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm, thì giải pháp chủ động nhất vẫn là cải cách hành chính.

* Chính phủ coi cải cách hành chính (CCHC) là một trọng tâm trong công tác điều hành, từng cán bộ, công chức phải làm hết sức mình với tinh thần phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần này tại 2 buổi làm việc chuyên đề liên tiếp về cải cách hành chính là Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức và Hội nghị cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và bảo hiểm xã hội.

Theo đó, vấn đề đặt ra trong công tác CCHC là ở khâu tổ chức thực hiện; phải thực hiện quyết liệt, triệt để; phát huy cao độ ý thức phục vụ, tinh thần trách nhiệm để quyết tâm làm. “Cá nhân nào không đáp ứng được yêu cầu này thì đưa ra khỏi bộ máy, tuyển người khác có đủ năng lực, điều kiện vào làm”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện rà soát, loại bỏ các trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thành việc xác định vị trí việc làm. Việc xác định vị trí việc làm phải tiến hành một cách chặt chẽ trong điều kiện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động công vụ.

* Tại cuộc họp sơ kết công tác an toàn giao thông quý I/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo một số tỉnh có tỷ lệ TNGT gia tăng trên địa bàn. Các tập thể, cá nhân có liên quan sẽ không được xem xét khen thưởng nếu không hoàn thành nhiệm vụ về kiềm chế TNGT.

* Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc tổ chức tại Sơn La, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là đào tạo lao động, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu đưa một số giống mới có hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh liên kết phát triển, liên kết hạ tầng, liên kết ngành, liên kết vùng...

* Tại cuộc họp chuyên đề tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Công Thương có phương án tiêu thụ cho 4 nhóm nông sản: gạo, rau quả, chăn nuôi và thủy sản. Đây sẽ là nội dung chính trong đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản nhằm phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững” sắp được trình lên Chính phủ.

* Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện, trình dự thảo Quyết định để Thủ tướng xem xét, ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Các nhà hoạch định cần xác định rõ những vấn đề như bản đồ quy hoạch điện mặt trời; các mô hình triển khai cấp dự án, cấp hộ gia đình, dự án nối lưới và không nối lưới; trách nhiệm mua điện nối lưới; ưu đãi về đầu tư với từng loại dự án,…

* Tới dự Lễ trao giải cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, để ổn định và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành.

Vì vậy, cần tổ chức truyền thông, góp phần nhân rộng các mô hình tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kịp thời đến được với người dân cả nước, nhất là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo...

* Thời gian tới cần tập trung nguồn lực thực hiện an sinh xã hội ở những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất và sát với nhu cầu của người dân, từ chuyện ăn ở, học hành, đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc họp triển khai Nghị quyết 15/NQ-TW (khóa XI) về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.

Phó Thủ tướng cho rằng thời gian tới việc triển khai chính sách an sinh xã hội cần trên tinh thần “Nhà nước ưu tiên bằng cơ chế”, tập trung trước hết cho những vùng khó khăn nhất, nghèo nhất.

Đồng thời, các chương trình an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo cần thực hiện theo quy luật thị trường. Trong đó các bộ, ngành không trực tiếp tham gia, bớt dần bao cấp, cào bằng, dứt khoát loại bỏ tư tưởng ỷ lại.

Song song với đó là chính sách hỗ trợ người yếu thế với nòng cốt là các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quỹ an sinh, phúc lợi, lấy số đông bù cho số ít, người giàu bù cho người nghèo.

* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là “hòa bình, hợp tác và phát triển” với chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” trong bài phát biểu trước gần 2.000 đại biểu tham dự Phiên thảo luận chung của IPU-132.

Phó Thủ tướng cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.

Nguồn chinhphu.vn