Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân kết luận buổi làm việc.
(Ảnh: dangcongsan.vn)
Đây là chương trình phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã được ký kết, ban hành. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế hoạt động; kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch. Ban Chỉ đạo đã chọn địa bàn xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Đến nay, đã có 35 tỉnh thành ký chương trình phối hợp, 28 tỉnh thành khác đang chuẩn bị ký vào quý 2 năm nay. Hiện nay, Hội Nông dân một số tỉnh, thành như Phú Thọ, Lâm Đồng đã tổ chức đoàn giám sát về phân bón tại một số huyện…
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đã chuẩn bị in tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn; tài liệu hướng dẫn địa phương trong việc quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV. Chuẩn bị phát hành cuốn tài liệu giới thiệu một số kinh nghiệm giúp người nông dân cách phân biệt phân bón giả, kém chất lượng, chọn mua phân bón đúng chất lượng…
Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến làm 2 mô hình điểm tại Hà Nội và An Giang về phối hợp quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV giữa chi cục BVTV, Hội Nông dân, cơ quan quản lý thị trường địa phương, chính quyền địa phương, MTTQ, sau đó tổng kết và nhân rộng mô hình. Bộ cũng sẽ xây dựng 1 mô hình điểm tại huyện Gò Công Tây-Tiền Giang để giám sát về lĩnh vực thuốc thú y. Xây dựng mô hình điểm tại huyện Yên Thế - Bắc Giang để phối hợp quản lý, giám sát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện. Đó là lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa thống nhất về nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp. Một số địa phương đã ký kết nhưng chậm triển khai do chưa thống nhất được cách thức thực hiện… Theo đó, các đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ ở cơ sở, hội viên và nông dân để họ giám sát thường xuyên trên địa bàn để phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu, hành vi vi phạm. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội và Mặt trận đại diện cho hội viên, người dân trong việc tiếp thu ý kiến phản ánh, khảo sát thực tế để có cơ sở kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đây là nội dung giám sát rất mới nên cần có sự đánh giá, rà soát, xây dựng kế hoạch, căn cứ vào điều kiện thực tế để thực hiện. “Kinh nghiệm từ giám sát thực hiện chính sách người có công cho thấy, mặc dù giám sát từ xã, nhưng đoàn giám sát của Trung ương phải thực hiện giám sát điểm ở một số địa bàn, từ đó rút kinh nghiệm để nhân rộng toàn quốc. Nội dung giám sát này cũng nên thực hiện tương tự” – đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị để thúc đẩy tiến độ công tác giám sát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần sớm hoàn chỉnh tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Hội Nông dân, MTTQ cơ sở để triển khai thực hiện trước ngày 10/5, chậm nhất đến cuối tháng 6 hoàn thành việc ban hành tài liệu tuyên truyền biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền, tập huấn. Sau khi có tài liệu hướng dẫn, các cơ quan tham gia Chương trình phối hợp có trách nhiệm phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội Nông dân, MTTQ cơ sở về nội dung giám sát. Từ nay đến tháng 6/2015, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp cần tổ chức 7 đoàn giám sát với các thành viên là cán bộ MTTQ, Hội Nông dân, chuyên gia Hội đồng tư vấn… đi giám sát ở các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón… tại 7 tỉnh, thành phố để đánh giá bước đầu. Việc giám sát hướng vào các địa bàn Hội Nông dân phản ánh có vấn đề, vi phạm về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ năm 2016 mới triển khai ở khắp toàn quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường thuốc BVTV, thuốc thú y rất lộn xộn, hàng giả tràn lan… Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV, kháng sinh trong chăn nuôi, trồng trọt là rất phổ biến. Do vậy, Bộ sẽ có hướng dẫn để nông dân sử dụng an toàn, chỉ rõ thời gian cách ly của từng loại thuốc trước khi thu hoạch...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam