Hội thảo khoa học: Đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử:

Phụ nữ Ninh Thuận trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, góp phần giải phóng quê hương

(NTO) Thắng lợi quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4-1975 đã kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Tự hào thay, trong thắng lợi huy hoàng ấy, lực lượng phụ nữ đã góp phần công sức vô cùng to lớn làm sáng ngời truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Ninh Thuận, phụ nữ cực Nam Trung Bộ xứng danh với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Đầu tháng 3-1975, phấn khởi trước những thắng lợi vang dội trên mọi miền đất nước, binh lính địch hoang mang dao động, lực lượng phụ nữ đã tập trung tuyên truyền vận động binh lính địch. Ngày 8-3-1975, tại thôn Giá, phụ nữ Ninh Thuận đã tổ chức Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, với gần 80 chị em tham gia. Lãnh đạo Hội đã đánh giá việc thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Tỉnh Hội trong những năm qua, tuyên truyền ý nghĩa ngày 8-3, đồng thời kêu gọi chị em trong những ngày sắp đến, quyết tâm cùng quân giải phóng sẵn sàng đánh địch.

Nữ du kích Bác Ái vận chuyển đạn phục vụ bộ đội chiến đấu giải phóng tỉnh Ninh Thuận.

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-1975, ở miền núi đúng vào mùa phát rẫy, dọn, trỉa mùa rẫy mới, chị em phụ nữ vừa tập trung mọi sức lực vào sản xuất, vừa phân công nhau đi dân công phục vụ chiến trường, vừa đảm nhiệm công việc xây dựng, bảo vệ căn cứ để bộ đội và lực lượng du kích nam ra phía trước hoạt động. Trong lúc đang dọn rẫy chờ trời mưa, thì được chỉ thị của Ban Chỉ đạo tiền phương C, huy động một khối lượng dân công ra đào, đắp con đường từ Tân Mỹ qua Ma Ty tới Trại Láng (Cam Ranh, Khánh Hòa), để đưa quân chủ lực và xe tăng xuyên qua đây, theo đường 11 lên đường 20, xuống tiến công Xuân Lộc. Được tin, đồng bào Bác Ái nói chung và lực lượng phụ nữ nói riêng đã tình nguyện ra phát dọn, đào đắp, lấp suối, bắc cầu làm đường để quân ta đi qua, với tinh thần khẩn trương, thần tốc, chỉ trong 6 giờ, quân và dân Bác Ái đã làm xong con đường gần 50 km. Đồng thời, trong những ngày quân chủ lực đi qua đây, chị em phụ nữ và du kích vận tải vũ khí, đạn dược tiếp tế cho bộ đội. Các mẹ, các chị mang từng gùi chuối, cam, thơm, bưởi ủng hộ bộ đội.

Ngày 1-4-1975, khi quân địch từ Đà Lạt rút chạy xuống Krông Pha, bị lực lượng vũ trang của ta chặn đánh, bỏ chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta tiến vào chiếm quận lỵ Krông Pha, công nhân nhà máy thuỷ điện Đa Nhim cùng đồng bào và chị em xã Lâm Sơn đã nổi dậy chiếm nhà máy, giải phóng hoàn toàn các thôn xung quanh quận lỵ. Tiếp theo lực lượng Bác Ái, Anh Dũng, đơn vị 317, đội công tác Mỹ Hiệp tiến vào giải phóng các ấp chiến lược trên đường 11, quận Krông Pha được hoàn toàn giải phóng.

Tại Tháp Chàm, chị em phụ nữ phối hợp cùng lực lượng thanh niên hỗ trợ, tiếp sức cho bộ đội địa phương tiến công địch ở Bảo An, Đô Vinh. Khi địch phản kích để chiếm lại, chị em phụ nữ đã gan dạ cùng bộ đội bám trụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tiếp tế súng đạn, cơm nước cho đơn vị 311, 314 và đội công tác, du kích tự vệ tại chỗ; đồng thời, chuyển thương binh vào Xóm Dừa băng bó, chăm sóc, tối đưa ra căn cứ Cà Đú.

Phía Thuận Nam, An Phước, tại xã Thuận Diêm, ngày 2-4-1975, được tin quân địch rút chạy vào Bình Thuận, đội công tác và nam, nữ thanh niên đã ra đường phục kích, chặn đánh địch làm chủ đoạn đường này. Trong thôn, đồng bào và phụ nữ Phước Diêm và các lực lượng dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nổi dậy tước vũ khí dân vệ, chiếm Sở Muối Cà Ná và giải phóng hoàn toàn 2 thôn, cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới và đã giữ đến ngày giải phóng toàn tỉnh. Hai trung đội nghĩa quân ở đây tháo chạy. Chính quyền và chị em phụ nữ Phước Diêm viết thư kêu gọi, vận động hầu hết số lính này đã mang súng đạn về giao nộp cho chính quyền cách mạng.

Các làng Hậu Sanh, La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Hiếu Thiện, Vụ Bổn, Phước Lập, Từ Tâm, Hòa Thủy, Thành Tín, các đội vũ trang công tác hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh… giải tán dân vệ, phòng vệ dân sự giành lại chính quyền. Tại Sơn Hải, Vĩnh Trường, Từ Thiện, đồng bào bị dồn vào vùng địch kiểm soát. Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, đồng bào đấu tranh trở về làng cũ xây dựng lại xóm làng. Đầu tháng 4-1975, cũng đã nổi dậy tước vũ khí bọn bảo an dân vệ, bắt giải tán tề điệp, giải phóng thôn xóm trước ngày giải phóng Phan Rang. Phía Thuận Bắc, tại Ba Tháp, đội công tác tiến vào ấp, cùng đồng bào nổi dậy, tước vũ khí đại đội bảo an, làm chủ hoàn toàn ấp và đã lấy vũ khí trang bị cho nam, nữ thanh niên tiến ra bám đường số 1, đánh quân địch chạy từ ngoài vào, gây cho địch hoảng loạn. Hầu hết dân vệ, phòng vệ dân sự, tề vệ ở các làng còn lại khi nghe tiếng gọi của cách mạng, trong đó có phụ nữ tham gia vận động, đã bỏ việc, giao vũ khí cho cách mạng.

Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng. Chính quyền cách mạng lâm thời các cấp trong đó có lực lượng phụ nữ tham gia đã vận động 11.626 binh sĩ địch tan rã về ở địa phương, ra trình diện và giao nộp vũ khí cho cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có đến hàng chục ngàn binh sĩ Ngụy đào rã ngũ, thành quả này phần lớn do công lao của phụ nữ đóng góp.

Phụ nữ Ninh Thuận đã tô thắm 12 chữ vàng: “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang” của quân dân vùng cực Nam Trung Bộ. Vị trí và vai trò phụ nữ Ninh Thuận ngày càng được khẳng định, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn, mục tiêu bình đẳng giới đạt nhiều tiến bộ.

Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và thực tiễn phong trào, công tác Hội Phụ nữ, có thể rút ra bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là đảng bộ địa phương là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của phong trào phụ nữ, cũng như phong trào cách mạng nói chung của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đảng ta xác định rõ quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Mỗi thời kỳ, Đảng đề ra chủ trương, nhiệm vụ phù hợp, đáp ứng yêu cầu của đất nước, của các tầng lớp nhân dân nói chung, đối với phụ nữ nói riêng. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phụ nữ, đánh giá đúng vai trò, vị trí của phụ nữ, luôn chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ; đồng thời tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy năng lực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung.

Hai là, việc phát triển cao độ truyền thống cách mạng yêu nước và tinh thần đoàn kết của phụ nữ là động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ và tổ chức phụ nữ không ngừng phát triển.

Là một tỉnh có nhiều dân tộc và tôn giáo, xa sự chỉ đạo và tiếp tế của Khu và Trung ương, phụ nữ Ninh Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tự lực tự cường, đoàn kết với các dân tộc, tôn giáo, tình đồng đội, đồng chí yêu thương, đùm bọc nhau, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hòa bình lập lại, chị em bước vào vừa khôi phục, phát triển kinh tế, vừa xây dựng và củng cố tổ chức Hội vững mạnh, trong quá trình đó, chị em phụ nữ được giao lưu học hỏi, giúp đỡ, tương trợ nhau trong sản xuất, trao đổi kinh nghiệm và các tiến bộ khoa học–kỹ thuật, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ thực tế đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã quan tâm công tác chính trị-tư tưởng, tăng cường hơn nữa giáo dục, đoàn kết đối với các phụ nữ.

Ba là, ý thức tự lực tự cường, tinh thần dũng cảm bất khuất, quyết vượt mọi khó khăn trở lực là yếu tố cơ bản để giành thắng lợi.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nữ đồng chí Hồ Thị Tiếu Nga đã để lại tấm gương sáng chói, bị sa tay vào giặc và bị cưỡng bức hãm hiếp nhưng đồng chí vẫn kiên quyết chống trả giữ trọn lòng kiên trung với đất nước, sự chung thủy với gia đình. Biết không khuất phục nổi người phụ nữ cách mạng có ý chí cao, địch đưa đồng chí đi thủ tiêu. Chị Nguyễn Thị Thảo tham gia suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giữ nhiều trọng trách như: Thị ủy viên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, chị đều hoàn thành, không may sa vào tay giặc, kẻ thù tìm mọi cách mua chuộc rồi tra tấn, chị vẫn không khai báo nửa lời. Cuối cùng, địch đày chị ra Côn Đảo, hơn 16 năm sau (tháng 5-1975), mới được ra khỏi nhà tù của địch, mang trên mình nhiều bệnh tật, sau đó, chị đã qua đời. Chị Pô Pô Thị Dú bị địch bắt, chúng buộc chị dẫn đi chỉ cán bộ. Chị dẫn chúng tới nơi có vách đá cao, vực sâu, rồi gieo mình xuống vực, nhận lấy sự hy sinh, chứ không phản bội cách mạng; hoặc thương xót với chị Nía–người dân tộc Raglai, trong một trận càn của địch đến trước cửa hang, để đảm bảo bí mật cho đồng bào bên trong, chị đã ép con mình vào ngực không cho khóc thét lên. Khi đồng bào rút ra, đến chỗ lánh càn thì con chị đã chết, chị đã vì đồng bào mà hy sinh đứa con đầu lòng của mình.

Trong hòa bình, chị em tiếp tục phát huy tinh thần và ý chí tốt đẹp đó, khắc phục khó khăn, ra sức cần cù trong lao động, học tập, sáng tạo trong sản xuất, công tác trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bốn là, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội là yếu tố bảo đảm duy trì, phát triển Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà.

Sau khi Đảng ra đời ở Ninh Thuận, các chi bộ đã phân công đảng viên tuyên truyền, vận động quần chúng giác ngộ tham gia cách mạng. Từ đó, các tổ Nông, Công hội đỏ được thành lập bí mật, nhiều phụ nữ Kinh, Chăm hưởng ứng tham gia. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, việc xây dựng và củng cố tổ chức Hội được các chị rất quan tâm. Ngày 20-12-1960, Mặt trận giải phóng miền Nam ra đời. Vinh dự cho phụ nữ miền núi Ninh Thuận có chị Chamaléa Thị Lực được bầu làm thành viên của Mặt trận. Cuối năm 1965, Tỉnh ủy thành lập Ban Dân binh vận có chị Đặng Thị Thu theo dõi công tác phụ vận. Đến tháng 11-1969, sau nhiều năm tập hợp và xây dựng lực lượng từ cơ sở, lần đầu tiên trong chiến tranh chống Mỹ, Đại hội Phụ nữ Ninh Thuận được tổ chức ở trạm Thu Dung (Anh Dũng). Vào những năm chiến đấu gian khổ đầy ý nghĩa, một vinh dự đến với phụ nữ Ninh Thuận: Ngày 5-12-1969, Hội đồng cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tặng phong trào phụ nữ Ninh Thuận Huân chương Giải phóng hạng Nhất vì đã có công tổ chức, động viên lực lượng phụ nữ tỉnh nhà chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu và phục vụ chiến đấu lập nhiều thành tích xuất sắc.

Trải qua các cuộc chiến tranh, nhất là Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 với chiến thắng Phan Rang, những bài học kinh nghiệm rút ra từ lý luận, thực tiễn chiến đấu và xây dựng nêu trên, đến nay, vẫn còn mang tính thời sự rất bổ ích cho phụ nữ tỉnh nhà khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách mới, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để đưa Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cùng với nhân dân trong tỉnh xây dựng Ninh Thuận phồn vinh và giàu mạnh.