Đây là kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) tại “Hội thảo lấy ý kiến DN hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng” diễn ra ngày 17/3 tại TPHCM, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
Nhiều đại biểu cho rằng, Thông tư quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là cần thiết để khắc phục tình trạng nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ quá lạc hậu, gây lãng phí cho xã hội, ảnh hưởng tới môi trường, sự phát triển của các ngành kinh tế và khả năng hội nhập.
Tuy nhiên, để Thông tư đi vào cuộc sống và phát huy hiệu lực cần đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản như tính khoa học, tính khả thi và tránh gây phiền hà, lãng phí cho DN và những tiêu cực phát sinh.
Tiêu chí, điều kiện nhập khẩu máy móc chưa hợp lý
Các đại biểu đều đánh giá, quy định tại Điều 6, Chương 2 của Dự thảo với tiêu chí “thời gian sử dụng không quá 10 năm” và “chất lượng còn lại từ 80% trở lên” là chưa hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, một chiếc máy, thiết bị có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chi tiết. Trong quá trình sử dụng có sự hao mòn, hư hại khác nhau, có mức độ ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng sản phẩm. Làm sao có một công thức để đánh giá chính xác hoặc tương đối chính xác chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị đó.
Việc giám định chất lượng cụ thể cũng không thể thực hiện bằng quan sát bình thường, mà phải tháo dỡ máy ra để kiểm tra, thậm chí phải cho chạy thử trong một thời gian nhất định với các loại vật liệu khác nhau.
Theo ông Nestor Scherbey, Trưởng Ủy ban Hải quan và Thuận lợi hóa Thương mại, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, người có kinh nghiệm phụ trách việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tại nhiều quốc gia kiến nghị, Thông tư cần đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng dựa trên tiêu chuẩn chất lượng của ngành đối với từng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cụ thể, thay vì đưa ra cách tiếp cận chung chung dựa trên “phần trăm chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu”.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Quốc Tuấn, CTCP máy công cụ và thiết bị T.A.T (đơn vị chuyên xuất nhập khẩu các loại máy móc) cho rằng, tại Khoản 5 Điều 3, việc đánh giá chất lượng còn lại so với “chất lượng ban đầu” mà không có tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc kiểm soát chất lượng theo tinh thần của Dự thảo.
Do đó, ông Tuấn và các DN kiến nghị, Bộ KH&CN nên là đầu mối chủ trì soạn thảo một bộ tiêu chuẩn chung của quốc gia về chất lượng theo thông lệ của các nước phát triển cho từng loại máy móc, thiết bị. Có như vậy mới đảm bảo việc đánh giá chất lượng máy móc, thiết bị chính xác và khoa học.
Bên cạnh đó, các DN cũng kiến nghị, Thông tư nên “nới rộng” thời gian thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, thay vì quy định 10 năm như hiện nay.
Ghi nhận những đóng góp ý kiến từ các DN, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, một văn bản chung, không thể áp dụng được cho các loại máy móc, thiết bị trong nhiều lĩnh vực. Hiện Bộ KH&CN đang chờ ý kiến phản hồi từ các bộ, ngành.
Đối với, những thiết bị, máy móc nào mà bộ, ngành quản lý được thì không đưa vào trong Thông tư.
Nguồn www.chinhphu.vn