Chỉ tính trong năm 2014 vừa qua, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xảy ra tại 158 xã, phường của 93 huyện, thành phố thuộc 33 tỉnh, thành trong cả nước làm chết trên 210.000 con gia cầm, chủ yếu là vịt. Từ đầu năm đến nay dịch cúm nói trên đã xảy ra rải rác tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long với chủng A/H5N1 và H5N độc lực cao, khó phát hiện. Đối với tỉnh ta, trong năm qua dịch cúm cũng đã xảy ra tại 2 huyện Ninh Sơn và Ninh Phước gây thiệt hại cho một số hộ chăn nuôi. Riêng từ đầu năm đến nay, tuy chưa phát hiện nhưng nguy cơ tiềm ẩn là rất lớn. Đặc biệt là tình hình nắng hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nguồn nước sau khi thu hoạch vụ Đông-Xuân là rất cao dẫn đến tình trạng đàn vịt chạy đồng tập trung về các sông, suối…trên địa bàn tỉnh với mật độ dày, trong khi đó ý thức về phòng dịch trong một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia cầm, nhất là vịt chưa đảm bảo mức độ bảo hộ miễn dịch. Không những vậy, tình trạng mua bán, vận chuyển gia cầm chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan nếu xảy ra.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Ninh Sơn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm ở xã Lương Sơn.
Ảnh: Nguyễn Sơn
Vấn đề cũng rất đáng quan tâm là trong những tháng đầu năm nay, ngoài những chủng vi rút dịch “lưu hành” trong nước, còn có nguy cơ xâm nhập của chủng vi rút cúm gia cầm H7N9 và các chủng vi rút mới thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép cũng như tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Trước tình hình nêu trên, phòng chống dịch cúm gia cầm là hết sức khẩn trương. Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, tổ chức kiểm tra giám sát dịch cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là có các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu... nhằm phát hiện và xử lý ngay ổ dịch khi mới xảy ra, không để lây lan trên diện rộng...
Vấn đề trọng tâm hàng đầu vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn cũng như kiến thức cần thiết về phòng chống các chủng dịch, nguy cơ của dịch cúm A như H5N1, H7N9,... Thực tế cho thấy trong điều kiện chăn nuôi gia cầm ngoài trời như hiện nay trên địa bàn tỉnh, mầm bệnh tồn lưu trong gia cầm rất đa dạng, nếu không muốn nói là người nuôi “sống chung” với dịch bệnh. Mặt khác, ý thức của cộng đồng về tác hại của dịch bệnh chưa đầy đủ nên còn rất chủ quan... Do vậy, một khi người chăn nuôi nói riêng và trong cộng đồng nói chung hiểu rõ về hậu quả của dịch hại để chủ động phòng ngừa, “nói không” với gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc… thì sẽ góp phần phòng, chống dịch có hiệu quả.
Hạ Huyền