Dưới đây là những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ cần tham khảo để sớm nhận biết và phòng tránh nhằm bảo vệ sức khỏe cho các thiên thần nhí của mình.
Sốt phát ban
Triệu chứng ban đầu thường là sốt, ho, sổ mũi và xuất hiện ban đỏ. Lúc đầu, ban đỏ xuất hiện ở mặt, sau lan xuống bụng, tay, chân. Đặc điểm để phân biệt ban do hậu quả của sốt phát ban và ban do các nguyên nhân khác là ở chỗ thường thể hiện những chấm mịn như cám, màu đỏ, tuyệt đối không có các chấm bể miệng.
Ban thường lặn sau 3 ngày nhưng không mọc lại và có thể vài lần như thế. Nhưng nếu ba mẹ chủ quan trước căn bệnh này có thể gây ra các biến chứng khôn lường mà bệnh gây ra.
Ba mẹ vẫn có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách lau rửa, vệ sinh cho trẻ chỉ tiến hành vào buổi trưa, dùng nước ấm và lau nhanh. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng: cháo, súp, sữa…Cho trẻ uống nhiều nước, nhất là nước trái cây để tăng cường lượng vitamin cần thiết cho sức đề kháng của bé.
Tiêu chảy cấp mất nước nặng
Vẫn còn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ vì do cơ thể mất nước và điện giải, tiêu chảy cũng chính là nguyên nhân khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của trẻ. Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hay bị tóe nước trên 3 lần/24 giờ là trẻ đã bị tiêu chảy. Vào mùa nắng nóng, trẻ thường bị tiêu chảy do vi khuẩn (như E.Coli) hoặc do virut.
Ở mức độ tiêu chảy cấp mất nước nặng thì sẽ có 2 trong 4 dấu hiệu đặc trưng sau: li bì hoặc hôn mê, mắt trũng, khát nhưng không uống được hoặc uống rất ít, véo vào da thấy dấu véo mất chậm. Trong tình trạng này việc cần thiết là bù ngay lượng nước cho cơ thể trẻ, nếu trẻ không uống được thì bù bằng cách cho truyền tĩnh mạch với dung dịch được chọn là Lactate Ringer và khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.
Sốt với lượng nhiệt cao
Trẻ bị sốt có nhiều nguyên nhân, nhưng mùa nắng nóng trẻ thường bị sốt nhiều vì bị mất nước mà cha mẹ không biết để bù đủ nước cho trẻ và làm cho trẻ bị “khô” thêm bằng cách bật quạt vì nghĩ rằng để trẻ mát (khi nằm quạt trẻ bị khô niêm mạc vùng hầu họng dễ dẫn đến viêm mũi họng, viêm hầu họng).
Khi trẻ bị sốt trên 38 oC thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay, không nên để thân nhiệt tăng lên quá cao (hiện một số cha mẹ vẫn đợi bác sĩ khám rồi mới cho trẻ uống thuốc hạ sốt là không đúng) và sau đó đưa trẻ đến bệnh viện khám. Thuốc hạ sốt thường dùng cho trẻ là Cetamol (uống viên 100mg cho trẻ cân nặng 10kg, trẻ 15kg uống nửa viên 325mg), có thể mua để sẵn ở nhà. Đồng thời cho trẻ uống đủ nước.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân , nhất là ở trẻ em. Bệnh rất dễ lây và thường có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn. Khi đã mắc thủy đậu, cần cách ly ít nhất 5 - 7 ngày bởi dịch thường xảy ra trong nhóm thân cận gia đình, trường học.
Khi phát hiện trẻ có những nốt phỏng nước trên da nên cho trẻ nghỉ ngơi, không được chà xát, làm vỡ các mụn phỏng gây bội nhiễm. Có thể dùng dung dịch sát khuẩn như xanh methylene chấm vào mụn phỏng, mặc quần áo bằng vải mềm. Cho trẻ ăn uống đầy đủ, cung cấp vitamin nhóm B và C, cho trẻ uống hạ sốt nếu sốt cao. Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Viêm não do virut
Viêm não virut là một tình trạng viêm cấp tính ở não và tủy sống. Có nhiều loại virut gây ra những dấu hiệu và triệu chứng, nhưng khác nhau về mức độ nặng nhẹ và sự tiến triển. Nhiều người bị nhiễm mà không có triệu chứng. Ở thể trung bình, có sốt, đau đầu; trường hợp nặng có sốt cao, đau đầu, hôn mê và có thể liệt. Hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với người bệnh.
Biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tích cực. Bên cạnh việc phòng bệnh bằng cách như mặc quần áo bảo hộ, dùng thuốc, hương xua muỗi, dùng lưới bảo vệ nhà cửa, dùng màn và tránh các hoạt động ngoài trời vào buổi chiều để tránh bị muỗi đốt, việc thực hiện tốt các nguyên tắc vệ sinh ăn uống là cách dự phòng hữu hiệu viêm não do các virut đường ruột gây nên.
Nguyên tắc phòng ngừa bệnh
Để phòng các bệnh mùa nắng nóng cho trẻ thì khâu vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt da làm cho vi khuẩn dễ phát triển gây viêm da. Tránh để hướng gió của quạt thổi trực tiếp vào mũi họng của trẻ, cho trẻ uống nhiều nước và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Phải biết phòng bệnh từ bản thân mình cũng như mọi thành viên trong gia đình kể cả trẻ nhỏ đến người cao tuổi. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh say nóng, say nóng luôn luôn được đề phòng không ra ngoài trời lúc nắng nóng, nhiệt độ cao, trời oi bức. Không uống nước chưa được đun sôi, không ăn, uống các loại nước giải khát bán dạo, bán ở vỉa hè không đảm bảo vệ sinh.
Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hằng ngày cho trẻ và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt làm cho vi khuẩn dễ phát triển. Cần bảo vệ da không để da bẩn, xây xước. Mùa nắng nóng cần tích cực diệt muỗi và diệt bọ gậy bằng mọi hình thức từ dân gian đến các biện pháp dùng hoá chất. Một số bệnh đã có vaccin nếu người nào chưa có miễn dịch cần tiêm phòng bởi vì tiêm vaccin là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.
nguồn: mevacon.com.vn