Từ trận tiến công đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang tháng 4 năm 1975 suy nghĩ về bài học kinh nghiệm trong tổ chức và sử dụng lực lượng hiện nay

Sau mùa khô năm 1974-1975 và nhất là sau khi ta đã giành được những thắng lợi liên tiếp to lớn, giải phóng Tây Nguyên, Huế, nhiều tỉnh của Quân khu 5, địch rơi vào tình thế suy yếu nghiêm trọng, chúng gấp rút chuyển vào phòng ngự chiến lược, co cụm, cố giữ những vị trí quan trọng và then chốt nhất.

Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị họp khẳng định: “Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với chiến dịch Tây Nguyên. Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam”. Bộ Chính trị chủ trương: Tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa.

Quán triệt tình hình và nhiệm vụ lịch sử, Khu ủy Khu 6 có công điện số 152 gửi các tỉnh ủy trong quân khu, bức điện ghi: “Tình hình diễn biến rất thuận lợi cho ta, các tỉnh không được trông chờ ỷ lại vào chủ lực mà phải nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, khẩn trương với mức độ cao nhất, bám chắc tình hình, mạnh dạn xốc tới tiêu diệt địch, giải phóng địa phương mình ….”.

Trước sức mạnh như vũ bão của Quân Giải phóng, liên tiếp trong các ngày 24, 25 và 26-3-1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn hết ban hành công điện khẩn, đến mệnh lệnh kêu gọi, ra lệnh cho quân đội Sài Gòn “tử thủ” các tỉnh còn lại. Công điện ngày 25-3-1975 của Tổng thống chính quyền Sài Gòn ghi: “Tất cả những tỉnh, những phần đất hiện còn đến ngày hôm nay 25 tháng 3 năm 1975 phải được tử thủ bảo vệ đến cùng….”. Ngày 2-4-1975, tại Sài Gòn, diễn ra cuộc họp nhằm thống nhất kế hoạch phòng thủ. Kết thúc cuộc họp, chính quyền Sài Gòn bắt tay ngay vào thiết lập tuyến phòng thủ kéo dài từ Phan Rang, qua Xuân Lộc đến Tây Ninh với hai “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc. Với việc thành lập cụm phòng thủ, trong đó “tử điểm” là Phan Rang và Xuân Lộc, chính quyền Sài Gòn đặt hết hy vọng vào đây và cho đó sẽ là tiền đề có thể thay đổi được cục diện chiến trường, để đi tới một giải pháp hữu hiệu hơn.

Tại Ninh Thuận, đầu tháng 4-1975, chính quyền Sài Gòn quyết lập ở đây một tuyến phòng thủ mạnh, gọi là “Lá chắn thép” để ngăn chặn sức tiến công của đại quân ta, gấp rút hình thành một Bộ Tư lệnh tiền phương do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang làm Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh đóng tại sân bay Thành Sơn. Lực lượng địch gồm có Sư đoàn 6 không quân; Sư đoàn bộ binh 2; liên đoàn 31 biệt động quân; 1 lữ đoàn dù; 1 tiểu đoàn và 2 đại đội pháo; 2 chi đoàn xe tăng; 4 tiểu đoàn bảo an, lực lượng dân vệ, cảnh sát và phòng vệ dân sự. Ngoài khơi, có lực lượng hải quân sẵn sàng chi viện.

Sau khi “Lá chắn thép” được hình thành, địch dùng không quân và pháo binh điên cuồng đánh phá nhiều khu vực, ra sức phản kích, lấn chiếm lại các vùng nông thôn đã bị các lực lượng ta giải phóng, phá sập nhiều cầu, cống trên quốc lộ 1A nhằm ngăn chặn xe tăng và bộ đội chủ lực của ta tiến công, đánh chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn.

Sau khi tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn giải phóng (ngày 2-4-1975), khí thế cách mạng của nhân dân trong tỉnh dâng lên mạnh mẽ. Được sự hỗ trợ và phối hợp của lực lượng chủ lực, ngày 7-4-1975, Cánh quân Duyên hải (do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa làm Chính ủy) đã áp sát Ninh Thuận, tổ chức triển khai phối hợp với quân và dân trong tỉnh giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Theo yêu cầu của chiến trường, ngày 13-4-1975, Bộ Tư lệnh quân khu tăng cường cho Ninh Thuận Sư đoàn bộ binh 3 và Trung đoàn 25 Tây Nguyên.

Ngày 14-4-1975, Sư đoàn bộ binh 3 của Quân khu 5 cùng với Trung đoàn 25 Tây Nguyên được du kích và nhân dân huyện Bác Ái Đông dẫn đường, bắt đầu tiến công vào các cụm tiền tiêu của tuyến phòng thủ Phan Rang và Thành Sơn của Quân đoàn 3 Ngụy. Địch dùng hỏa lực đánh trả ác liệt và dựa vào các vị trí đã chuẩn bị sẵn quyết chống cự, nên sau 2 ngày chiến đấu, ta mới chiếm được một số điểm ở bên ngoài sân bay Thành Sơn. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định tăng cường thêm lực lượng để đủ sức đột kích.

Vào 5 giờ 40 phút ngày 16-4-1975, ta bắt đầu tổ chức tiến công, bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích tổ chức thành 3 mũi đột kích đồng loạt nổ súng từ các hướng: Một mũi theo đường quốc lộ 1 đánh chiếm thị xã Phan Rang và phát triển đánh lên sân bay Thành Sơn; một mũi từ hướng Tây đánh thẳng vào sân bay Thành Sơn và mũi vu hồi đánh chiếm cảng Ninh Chử, chặn đường tháo chạy của địch ra biển. Trước sức tiến công mạnh mẽ, nhanh chóng, bất ngờ của ta, lực lượng địch hoảng loạn, không kịp chống cự. Chúng tháo chạy hỗn loạn, bỏ lại cả máy bay, xe pháo và toàn bộ trang bị. Lúc 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975, ta đánh chiếm và làm chủ Phan Rang, buổi trưa cùng ngày, ta làm chủ sân bay Thành Sơn, đến 18 giờ, cơ quan Tỉnh ủy và Tỉnh đội Ninh Thuận đã vào tiếp quản thị xã Phan Rang-Tháp Chàm. Những xã không có lực lượng vũ trang đến, nhân dân cùng nổi dậy tước vũ khí của lực lượng phòng vệ dân sự, thành lập chính quyền tự quản, giữ trật tự và chờ cách mạng đến để bàn giao.

Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng, quân và dân Ninh Thuận đã phối hợp với bộ đội chủ lực, tiến công tiêu diệt địch và làm tan rã Sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3, sư đoàn 6 không quân, lữ đoàn dù 2, liên đoàn biệt động 31, 2 trung đoàn của sư đoàn 2 bộ binh, 3 tiểu đoàn cơ giới, 19 đại đội bảo an, cùng toàn bộ lực lượng dân vệ, cảnh sát và phòng vệ dân sự. Ta bắt sống 1.665 tù binh, hàng binh, trong đó có 2 tướng (Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang), 2 đại tá (có 1 đại tá Mỹ), 2 trung tá, 12 thiếu tá, thu 11 xe bọc thép và xe tăng, 51 máy bay còn nguyên vẹn, 1 hải thuyền, 15 khẩu pháo (loại 105 mm, 155 mm) và toàn bộ kho hàng của địch.

Từ chiến thắng Phan Rang (tháng 4-1975) đã để lại nhiều bài học quý báu, giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong tổ chức và sử dụng lực lượng hiện nay:

Một là, tập trung nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngày nay đất nước ta hòa bình, thống nhất, đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả to lớn, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta có những thời cơ, thuận lợi lớn, đồng thời cũng đứng trước những khó khăn thách thức gay gắt, các thế lực thù địch vẫn chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới của nhân dân ta, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, hòng gây mất ổn định chính trị-xã hội, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đối với lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân nói chung, lực lượng vũ trang tỉnh nói riêng, các thế lực thù địch chống đối, thúc đẩy việc “phi chính trị hóa”, gây chia rẽ quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Do vậy, lực lượng vũ trang tỉnh phải được tổ chức chặt chẽ, đúng quy định, có số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, được trang bị các loại vũ khí, khí tài phù hợp, thường xuyên thực hành giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng, theo dõi, nắm chắc và đánh giá chính xác tình hình diễn biến trên địa bàn và các khu vực có liên quan (vùng trời, vùng biển, vùng đất giáp ranh với các tỉnh bạn); xác định rõ đối tượng tác chiến, đặc biệt là thủ đoạn và phương thức hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trên địa bàn, phân tích, dự báo đúng các tình huống, các nguy cơ có thể xảy ra dẫn đến làm mất ổn định chính trị, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương và biện pháp kịp thời, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, xử lý nhanh chóng, hiệu quả, không để địa phương xảy ra bị động, bất ngờ, chủ động đề xuất các phương án xử lý các tình huống đúng với đường lối, quan điểm của Đảng và chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, chăm lo xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của lực lượng vũ trang tỉnh. Hiện nay và thời gian tới, lực lượng vũ trang tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng trên địa bàn đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Trên cơ sở quy hoạch thế trận phòng thủ của tỉnh, tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống phòng thủ, các công trình chiến đấu, xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ tỉnh, các công trình, dự án kinh tế-quốc phòng phù hợp với diễn biến tình hình và khả năng bảo đảm ngân sách của địa phương.

Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo duy trì nghiêm túc, nền nếp các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và chủ động bổ sung, hoàn chỉnh các quyết tâm, kế hoạch phòng thủ phù hợp với sự thay đổi của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, bộ đội chủ lực đóng trên địa bàn kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xử lý tốt các tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh.

Các cấp, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề tư tưởng tiêu cực nảy sinh. Chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hành động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa quân đội”, nhằm giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang tỉnh.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức lực lượng trong lực lượng vũ trang tỉnh. Tập trung xây dựng bộ đội địa phương (tỉnh, huyện, thành phố) theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, đảm bảo quân số theo biên chế, ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cơ quan, đơn vị trọng yếu. Phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng, quản lý nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên theo hướng gọn, mạnh, chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có đủ số lượng, chất lượng ngày càng cao. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng tổng hợp cao, được tổ chức, quản lý, giáo dục, huấn luyện chặt chẽ, coi trọng xây dựng lực lượng dân quân thường trực, trung đội, tiểu đội dân quân thường trực ở các xã, phường trọng điểm quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển mạnh, sử dụng đúng nguyên tắc, có hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ dân sự ở cơ sở, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh.

Từ diễn biến, kết quả của trận tiến công đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang cách đây 40 năm, cho thấy, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh cùng với nhân dân trong tỉnh và bộ đội chủ lực đã phấn đấu thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó với một quyết tâm rất cao, nhiều gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, ngoan cường để giành chiến thắng.

Để phát huy bài học trên vào việc xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh hiện nay, chúng ta cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị-tư tưởng, tập trung giáo dục cán bộ, chiến sỹ về lý tưởng cách mạng, mục tiêu chiến đấu, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có bản lĩnh chính trị cao, luôn quán triệt và chấp hành nghiêm túc cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Coi trọng công tác xây dựng Đảng; giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, của các cấp ủy đảng đối với lực lượng vũ trang tỉnh và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, đảm bảo cho lực lượng vũ trang tỉnh luôn luôn là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tổ chức tốt Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” mà Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động. Qua đó, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm, trách nhiệm cao của toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn đạo đức, lối sống, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường đoàn kết quân-dân, tích cực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá ta của các thế lực thù địch và phản động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.