Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 7-3

Sự kiện

- Ngày 7-3-1951, tại phiên họp bế mạc Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại hội suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam.

- Ngày 7-3-1954: Bộ đội ta tiến công sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Đêm 7-3-1954, tại sân bay Cát Bi, một đơn vị bộ đội ta gồm 32 dũng sỹ, do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy đã bí mật vượt qua hệ thống phòng thủ dày đặc (với 2.000 quân, ngày đêm tuần tra chặt chẽ), đột nhập sân bay để phá hỏng đường băng, kho tàng cùng 59 máy bay và nhiều phương tiện vũ khí của địch. Chiến công này đã làm cho quân Pháp thiệt hại nặng nề và gặp khó khăn trong việc tiếp tế cho các chiến trường.Đồng chí Đặng Kinh sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Sân bay Cát Bi được người Pháp xây dựng từ thời Pháp thuộc, sau giải phóng miền Bắc (năm 1955) được tiếp tục cải tạo, nâng cấp và đến nay vẫn được sử dụng...

- Ngày 7-3-1959: tại thủ đô Jakarta, Bác đón nhận từ Tổng thống Indonesia tấm “Huân chương Du kích” với lời đáp từ: “Hai dân tộc chúng ta đã làm cho thế giới thấy rằng với lực lượng đoàn kết của toàn dân, thì dù với vũ khí thô sơ, chúng ta cũng đánh thắng thực dân đế quốc”.

- Ngày 7-3-2005: Tại Hà Nội, đại diện 4 ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam) và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam ký hợp đồng tài trợ trị giá 126 triệu USD cho Dự án Nhiệt điện Hải Phòng - dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam với tổng công suất 1200MW (gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy 300MW). Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia cũng như đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khu vực tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với sản lượng điện trung bình hàng năm 7,2 tỷ kWh.Trong những năm qua, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, các tổ máy đã được đưa vào vận hành. Đến nay, Nhà máy đã cung cấp cho lưới điện quốc gia hơn 10 tỷ kWh điện.

- Ngày 7-3-2009: Tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội), Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội tổ chức khởi công Gói thầu số 3, xây dựng đường dẫn phía Bắc thuộc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu. Dự án cầu Nhật Tân nằm trên đường vành đai II thành phố, bắt đầu từ Phú Thượng (Tây Hồ) chạy song song, cách đường Lạc Long Quân khoảng 420m, vượt qua sông Hồng cắt với Quốc lộ 5 kéo dài tại nút giao Vĩnh Ngọc và kết thúc tại đường Nam Hồng (Đông Anh). Đây là cây cầu dây văng liên tục nhiều nhịp nhất, hiện đại nhất và dài nhất Việt Nam có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Sau 5 năm xây dựng, ngày 4-1-2015, Cầu Nhật Tân chính thức khánh thành, đưa vào sử dụng. Thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài mang tên đường Võ Nguyên Giáp.

Nhân vật

- Ngày 7-3-1944: Ngày hy sinh của nhà hoạt động cách mạng Tô Hiệu. Tô Hiệu sinh năm 1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước.Tham gia cách mạng từ thời niên thiếu, đồng chí Tô Hiệu là một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đã có công xây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, khôi phục lại xứ uỷ Bắc Kỳ cuối năm 1936. Năm 1930, Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất khi đang hoạt động tại Sài Gòn và bị đày ra Côn Đảo. Cuối năm 1939, đồng chí bị bắt lần thứ hai tại Hải Phòng. Khi bị bắt, đồng chí giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hải Phòng và là xứ ủy viên Bắc Kỳ. Đầu năm 1940, đồng chí Tô Hiệu bị kết án 5 năm tù khổ sai và bị đầy lên nhà tù Sơn La. Trong tù, đồng chí luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản. Đồng chí hy sinh ngày 7-3-1944 tại nhà tù Sơn La.Hiện nay, tại Khu bảo tàng di tích nhà tù Sơn La vẫn còn cây đào do chính tay đồng chí trồng. Cây đào mang tên Tô Hiệu đã trở thành một biểu tượng cách mạng, một “kỷ vật” thiêng liêng đối với các thế hệ người Việt Nam. 

Theo TTXVN