Theo phóng viên TTVXN tại La Habana, phái đoàn thuộc Liên minh nông nghiệp Mỹ vì Cuba (CAEUC), được thành lập sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngày 17-12 của Chủ tịch Cuba Raúl Castro (Ra-un Ca-xtơ-rô) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma). Tuyên bố của phái đoàn khẳng định chính sách trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Cuba đã lỗi thời, gây thiệt hại cả cho chính các doanh nghiệp Mỹ.
Ông Devry Boughner Vorwerk (Đe-vri Boóc-nơ Vo-uếch), Giám đốc điều hành tập đoàn lương thực Cargill và là Chủ tịch CAEUC, nhận định các doanh nghiệp Mỹ vừa phải chịu sự cạnh tranh mạnh từ các đối thủ Argentina, Brazil, châu Âu, vừa bị chính phủ Mỹ hạn chế.
Trong tháng 1 vừa qua, CAEUC đã gây sức ép đòi Quốc hội Mỹ phê chuẩn đạo luật bình thường hóa quan hệ với Cuba và xóa bỏ cấm vận chống đảo quốc Caribe (Ca-ri-bê) này. Dưới sự vận động của CAEUC, một số nghị sĩ Mỹ đã đề trình dự luật cho phép tự do xuất khẩu hàng hóa sang Cuba. Tuy nhiên, văn bản này đã bị cả hai viện phủ quyết do sự phản đối của các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Năm 2000, chính quyền Mỹ cho phép các doanh nghiệp nước này được xuất khẩu lương thực sang Cuba nhưng không được tiến hành các giao dịch qua ngân hàng khiến các đối tác Cuba buộc phải trả tiền mặt. Do thiếu hụt thanh khoản, hiện tại Cuba – quốc gia nhập khẩu gần 70% nhu cầu thực phẩm và sở hữu thị trường nông sản có tiềm năng 2 tỷ USD mỗi năm – có xu hướng hướng tới các đối tác có điều kiện thanh toán ưu đãi hơn. Vì thế, kim ngạch xuất khẩu lương thực từ Mỹ sang Cuba chỉ đạt 291 triệu USD trong năm 2014, giảm mạnh so với mức 349 triệu USD trong năm trước đó và kém xa mức kỷ lục 710 triệu USD năm 2008.
Theo TTXVN