Thế giới trong tuần

1. Chuyến công du không được chào đón của Thủ tướng Israel Benjamin Natanyahu đến Mỹ đã làm mọi thứ kém “tươi tắn” đi rất nhiều. Hơn thế, bài phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ còn bị đánh giá là “có khả năng làm phương hại đến mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai bên”.

Với “sứ mệnh lịch sử” nhằm ngăn chặn chính quyền Mỹ thúc đẩy một thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Netanyahu đã “qua mặt” Nhà Trắng. Động thái này đã đẩy quan hệ đồng minh xuống mức thấp trong nhiều thập kỷ qua. Khi chính quyền của Tổng thống B.Obama đang tăng tốc cho những bước đi cuối cùng nhằm đạt một thỏa thuận hạt nhân của Iran với nhóm P5+1 thì Thủ tướng Israel tới Mỹ lần này với trọng trách vận động các nhân vật có chung quan điểm trong Quốc hội Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt Iran và bằng mọi cách cản trở một thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Obama đã tốn khá nhiều công xây dựng.

Việc người đứng đầu Chính phủ Israel công khai gây sức ép, nhằm làm thất bại mọi nỗ lực của Chính quyền Mỹ về một thỏa thuận hạt nhân giữa các cường quốc với Iran, đã gây tổn hại nghiêm trọng trong quan hệ đồng minh. Tổng thống Mỹ công khai coi đây là hành động “thọc gậy bánh xe” của Israel nhằm can thiệp vào cuộc tranh luận tại Quốc hội Mỹ về khả năng đưa ra lệnh trừng phạt mới chống Iran. Nhà Trắng không thể chấp nhận bất cứ hành động nào có thể hủy hoại nỗ lực cuối cùng trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran khi chỉ còn 2 năm nữa Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ. Bởi thế, dù giới chức Nhà Trắng và Israel đều ra sức thanh minh những bất đồng trong vấn đề hạt nhân không gây ảnh hưởng đến các vấn đề hợp tác then chốt giữa 2 nước. Song chuyến thăm không được hoan nghênh của Thủ tướng Metanyahu tới Mỹ, không thể che giấu những rạn nứt trong quan hệ đồng minh.

2. Cuba và EU đã nối lại vòng đàm phán thứ ba (ngày 4-3) về việc bình thường hóa quan hệ tại Thủ đô La Habana (Cuba), sau khi vượt qua những bất đồng đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán.

Vòng đàm phán này được tập trung vào việc thiết lập cơ chế đối thoại trong các lĩnh vực khác nhau, đồng thời thảo luận sơ bộ việc thiết lập quan hệ thương mại và đối thoại chính trị giữa Cuba và EU. Vòng đàm phán lần này dự định diễn ra vào tháng 1-2015, tuy nhiên đã bị gián đoạn do hai bên gặp những bất đồng trong một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

Thông tin liên quan, trước đó đại diện ngoại giao Mỹ và Cuba cũng đã khép lại vòng họp thứ hai của cuộc đàm phán lịch sử nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước. Trọng tâm của cuộc thảo luận lần này là việc mở lại đại sứ quán ở mỗi nước sau 5 thập kỷ đóng cửa. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây bán cầu, bà Roberta Jacobson tuyên bố, các bên sẽ nỗ lực mở lại đại sứ quán Mỹ tại La Habana trước khi các nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ diễn ra tại Panama tháng 4 năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro gặp mặt nhau, kể từ khi hai nước tuyên bố khôi phục quan hệ song phương.

3. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo Nga về lệnh trừng phạt mới của EU đối với Moskva nếu lệnh ngừng bắn hiện nay ở miền Đông Ukraine bị vi phạm trong cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ).

Bà Merkel cho rằng, lệnh ngừng bắn hiện nay tại Ukraine theo thỏa thuận Minsk là hết sức mong manh, do đó việc cần làm ngay lập tức lúc này là phải chấm dứt tình trạng đổ máu ở miền Đông nước này. Cùng với đó, bà Merkel khẳng định, nếu lệnh ngừng bắn hiện tại bị vi phạm, các nước thành viên EU và Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn mới cứng rắn hơn đối với Nga. Cũng trong cuộc họp báo này, Chủ tịch EC đã bác bỏ kế hoạch về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU- Nga trong tương lai gần.

Trước đó, trong cuộc điện đàm 4 bên giữa Nga, Pháp, Ukraine và Đức, các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi OSCE đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát lệnh ngừng bắn và hoạt động rút vũ khí hạng nặng, cũng như công bố báo cáo hằng ngày về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk mà các bên xung đột đạt được hôm 12-2 vừa qua.