Nhớ lại đợt ruồi tàn phá vườn táo vào năm 2010, anh Đỗ Văn Hòa (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu) chưa hết lo lắng: Năm 2008, mình đầu tư làm 2 sào táo, một năm sau cho trái, thu được gần 100 triệu đồng. Chưa kịp mừng thì vụ tiếp theo bị ruồi ‘tấn công”, làm cho hàng loạt trái táo đến kỳ thu hoạch bị thối, rụng đầy vườn. Không riêng gì anh Hòa, các hộ trồng táo khác ở Ninh Phước cũng chịu cảnh tương tự.
Nông dân Ninh Phước chăm sóc vườn táo. Ảnh: Văn Miên
Để giúp nông dân trồng táo giảm thiểu thiệt hại, hướng đến sản xuất bền vững, tháng 11-2011, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình “Sử dụng bẫy bả sinh học trong phòng trừ ruồi đục quả táo”. Theo đó, 25 hộ ở xã Phước Sơn, xã Phước Hậu được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí để thực hiện mô hình trên quy mô 25 ha.
Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đạt kết quả khả quan, đang được tiếp tục duy trì, nhân rộng. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bả sinh học sử dụng chống ruồi sản xuất theo dây chuyền công nghệ Đức, đã được áp dụng phòng ruồi đục các loại trái cây ở nhiều tỉnh trên toàn quốc rất hiệu quả. Ưu điểm của chất này là dẫn dụ, tiêu diệt được cả ruồi đực và ruồi cái, không gây hại môi trường và sức khỏe con người. Khi đưa vào áp dụng tại tỉnh ta, các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật, nên tỷ lệ diệt ruồi đạt 94%, năng suất táo nhờ đó tăng 7,3%, thu nhập hộ trồng tăng thêm 25,4% so với sản xuất thông thường.
Từ hiệu quả của mô hình, đã tạo cơ sở để năm nay huyện Ninh Phước nhân ra trên diện rộng, hình thành vùng sản xuất táo tập trung phi dịch hại, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế hội nhập. Theo kế hoạch, vụ đông-xuân này, huyện áp dụng mô hình trên diện tích 221 ha, ở 20 thôn thuộc các xã, thị trấn: Phước Dân, Phước Hữu, Phước Vinh, Phước Sơn, Phước Hậu và Phước Thuận, đến vụ hè-thu mở rộng lên gấp đôi.
Để đạt được mục tiêu đề ra, hiện tại các đơn vị chức năng đang tăng cường mở các lớp tập huấn truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm thực tế về đặc điểm hình thái học, chu kỳ và triệu chứng gây hại; phương pháp dự tính, dự báo và biện pháp phòng, trừ ruồi đục quả táo bằng bẫy, bả sinh học. Huyện cũng đã cử cán bộ kỹ thuật về các thôn, xã giúp dân, hỗ trợ 30% kinh phí từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh cấp để hộ trồng táo mua vật tư bẫy, bả sinh học. Anh Từ Như Tráng (thôn Phước Đồng 1, xã Phước Hậu) có 3 sào táo sắp thu hoạch, cho biết: Những vụ trước, thời điểm táo bắt đầu chín, ruồi vàng xuất hiện dày đặc, nhưng vụ táo đầu năm nay, được hỗ trợ áp dụng mô hình trên nên hầu như không có ruồi vàng xuất hiện. Nông dân trồng táo hiện rất an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, không còn lo lắng ruồi phá hoại như trước.
Có thể nói, việc áp dụng rộng rãi bả sinh học trong diệt ruồi đục quả táo góp phần để Ninh Phước thực hiện thành công Chương trình mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, cùng với nhân rộng mô hình sản xuất có ứng dụng khoa học và công nghệ, huyện cũng đang xúc tiến hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác sản xuất táo có sự tham gia của doanh nghiệp, gắn kết với thị trường tiêu thụ.
Anh Tùng