Lê Kim Hùng
Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ
|
Đồng chí Lê Kim Hùng Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ |
(NTO) Năm 2014 là năm đầu tiên Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 175-CTr/TU ngày 11-3-2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, toàn ngành KH&CN đã ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra.
Hiệu quả Dự án Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho của Sở Khoa học và Công nghệ đã nâng cao
thương hiệu Nho Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Long
Trong năm 2014, ngành KH&CN đã tập trung vào hai mặt công tác trọng tâm, đó là nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống; và hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, ngày càng thể hiện rõ nét vai trò là động lực thực sự để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án đã thực tế hơn, hướng mục tiêu bám sát vào thực tiễn của địa phương như: phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tái cơ cấu ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản); thực hiện Nghị quyết 30a (Bác Ái); bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất các sản phẩm đặc thù của tỉnh; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Với định hướng trên, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN của tỉnh ta, dù chưa có những bước phát triển vượt bậc, nhưng rõ ràng KH&CN đã góp phần tích cực phục vụ phát triển kinh tế xã hội với những kết quả rất thiết thực như: khảo nghiệm thành công giống nho mới NH01-152 đáp ứng mong đợi của nhiều nông dân về giống nho mới; nhiều đơn vị sản xuất làm chủ được những quy trình công nghệ mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: quy trình sinh sản nhân tạo các loại giống thủy sản ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông được áp dụng đáp ứng nhu cầu về con giống tại chỗ; quy trình công nghệ nuôi cấy mô, sản xuất meo giống nấm ăn và nấm dược liệu đã mở ra ngành nghề mới có triển vọng tại tỉnh... KH&CN cũng đã góp phần tháo gỡ những vấn đề “nóng” về môi trường của địa phương như nghiên cứu dự báo và đề xuất các giải pháp khắc phục nhiễm mặn tại đồng muối Quán Thẻ; Đánh giá tác động tổng hợp và giải pháp hạn chế tác động môi trường của việc khai thác Titan; triển khai các đề án nhân rộng mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” và cây táo có ứng dụng tiến bộ KH&CN với diện tích nhân rộng lên đến hàng ngàn ha trên địa bàn 2 huyện Ninh Phước và Thuận Bắc,... Sở KH&CN đã phối hợp với Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức các hoạt động thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, khảo sát nhu cầu công nghệ tại 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xúc tiến làm việc với Công ty Cổ phần Rượu bia Đà Lạt (DalatBeco) và các đơn vị KH&CN trong và ngoài tỉnh nhằm chuyển giao tiến bộ KH&KT xây dựng tại huyện Ninh Phước vùng nguyên liệu nho rượu phục vụ sản xuất vang chất lượng cao với 2 giống nho Shiraz và Savignon Blanc.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế cũng đã được đẩy mạnh bằng nhiều hoạt động, trong đó nổi bậc là hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho 34 lượt
đơn vị, doanh nghiệp và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 20 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa trên toàn quốc, 4 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Với kết quả này, Ninh Thuận đã vượt qua các tỉnh lân cận về nhãn hiệu tập thể: Ninh Thuận đã có 8 NHTT được bảo hộ, Bình Thuận 3 NHTT, Lâm Đồng 6 NHTT và Khánh Hòa 1 NHTT.
Những kết quả của hoạt động KH&CN xuất phát từ sự đổi mới tư duy nhận thức, chỉ đạo từ Chương trình hành động của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh và giám sát chặt chẽ về hiệu quả hoạt động KH&CN của HĐND tỉnh, đòi hỏi KH&CN phải làm gì để mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu bức thiết từ thực tiễn sản xuất và đời sống.
Năm 2015 là năm cuối để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2015. Vì vậy, Sở KH&CN tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong các năm trước, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN theo Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; nghiên cứu vận dụng để giảm thiểu tối đa các quy trình thủ tục hành chính, phấn đấu rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính của các đề tài, dự án xuống còn 50% thời gian so với quy trình hiện hành. Sắp xếp và kiện toàn các tổ chức quản lý và hoạt động KH&CN của tỉnh theo hướng dẫn của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ, tập trung ưu tiên kiện toàn và phát triển Trung tâm Thông tin Ứng dụng tiến bộ KH&CN.
- Triển khai các đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh, nhằm phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; tái cơ cấu ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản); Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ tại tỉnh Ninh Thuận (huyện Bác Ái); Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất và các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
- Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế như: Đổi mới, chuyển giao công nghệ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường công nghệ; quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân; quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Tháo gỡ khó khăn, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai có hiệu quả Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực hoạt động KH&CN thuộc ngành quản lý; Thực hiện tuyên truyền, tổ chức đào tạo và hướng dẫn các cơ quan hành chính cấp xã, phường trên địa bàn tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008.
- Thành lập Quỹ phát triển KH&CN tỉnh Ninh Thuận sau khi có Quyết định của Thủ tướng phê duyệt điều kiện thành lập Quỹ và Điều lệ mẫu do Bộ KH&CN ban hành; khảo sát hiện trạng KH&CN trên địa bàn tỉnh và xây dựng quy hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2015-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình hợp tác tại Việt Nam của các tổ chức Phi chính phủ. Chủ động, phối hợp xây dựng các dự án KH&CN phù hợp, có vốn đối ứng của địa phương để triển khai tại tỉnh, như: Dự án “Công nghệ chế biến Vang Nho của Hungary”; Dự án “ phát triển thiết bị công nghệ năng lượng gió và năng lượng mặt trời với Nhật bản”; Tiếp nhận và triển khai Dự án “Sử dụng hợp lý tài nguyên Rạn San hô vì đời sống cộng đồng và phát triển bền vững” của Viện Hải dương học Nha Trang với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành KH&CN của tỉnh sẽ thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.