Chị Lê Thị Hà, ở thôn Động Thông, có 2 ha keo lai, cho biết: Khu vực này trước đây trồng mỳ, nhưng do thiếu nước nên gia đình chuyển qua trồng keo lai, nay sắp đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, nhà máy chế biến mua cả thân lẫn cành với giá bình quân 1,5 triệu đồng/tấn, tính ra mỗi ha keo lai thu được khoảng 100 triệu đồng. Không riêng gì chị Hà, ở Phước Chiến còn có 14 hộ trồng keo lai với tổng diện tích khoảng 20 ha. Theo đồng chí Đá Mài Bắn, Bí thư Đảng ủy xã: Phong trào trồng keo lai ở địa phương đang tiếp tục phát triển vì loại cây này dễ trồng, phù hợp đất đồi dốc, đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Phước Kháng trồng chuối trên đồi dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cũng là xã miền núi thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phước Kháng có cách làm khác. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về “Phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả trên đồi dốc, triền núi giai đoạn 2011-2015”, xã vận động nông dân trồng cây mít nghệ, chuối, cam. Đồng chí Chamaléa Đượng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Mô hình đến nay bước đầu đạt được kết quả đáng kể, hộ trồng có thu nhập đều, góp phần vào xóa đói giảm nghèo. Từ đầu năm 2014 đến nay trời ít mưa, nhiều hộ đã linh hoạt trồng bắp sữa (bắp non), cho thu nhập khá. Anh Ka-tơ Tượng, cho biết: Ưu điểm của bắp sữa là thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ 2 tháng cho thu hoạch. Trồng bắp sữa nhanh có thu nhập, khi cây mới trổ cờ là thương lái mua tại rẫy, hộ trồng chỉ việc đếm cây lấy tiền với giá 1.500 đồng/cây.
Thuận Bắc có địa hình đồng bằng, miền núi xen kẽ, khi triển khai Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện chỉ đạo, định hướng cho nông dân không phá vỡ quy hoạch, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng từng khu vực áp dụng mô hình phù hợp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được hai vùng chuyên canh: Cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ công nghiệp chế biến, tập trung ở các xã miền núi Phước Chiến, Phước Kháng, Bắc Sơn và cây lương thực ở Công Hải, Lợi Hải, Bắc Phong. Theo đồng chí Võ Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, điều quan trọng trong thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng là thay đổi được nhận thức của bà con. Ở các xã miền núi tuy vẫn “gắn bó” với các đối tượng cây trồng quen thuộc như keo lai, mỳ, mía, bắp… nhưng hàm lượng khoa học trong sản xuất nông nghiệp cao hơn, từ đó nâng cao giá trị đơn vị diện tích. Đối với những khu vực trồng lúa, bà con đẩy mạnh áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, tiết kiệm được nhiều chi phí, năng suất lại cao, bình quân đạt 7 tấn/ha. Từ mô hình điểm 2 ha trồng lúa triển khai ở xã Công Hải trong vụ đông xuân 2012- 2013, đến nay toàn huyện đã tăng lên hàng trăm ha/vụ, vì vậy nông dân trồng lúa đã có thu nhập khá.
Anh Tùng