(NTO) Tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc), ngày lao động đầu xuân mới rất nhộn nhịp, nông dân hớn hở theo nước vào ruộng, dặm lúa, phun thuốc ngừa sâu bệnh… Ông Ngô Văn Tâm, cho biết: Năm nào tôi cũng chọn ngày Mùng 4 Tết ra đồng thăm ruộng. Ra Tết, thời tiết nắng ấm thuận lợi cho cây trồng phát triển, 4 sào lúa của tôi gieo sạ được hơn 1 tháng, sáng nay ra thăm thấy xanh tốt nên rất phấn khởi. Từ nay đến hết tháng Giêng là giai đoạn lúa đẻ nhánh, cần được chăm sóc thường xuyên, theo nước, bón phân đầy đủ. Khởi đầu sản xuất thuận lợi, tôi tin cuối vụ năng suất lúa sẽ đạt cao.
Nông dân Ngô Văn Tâm ở xã Bắc Phong phun thuốc phòng ngừa sâu cho lúa đông - xuân.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) ra đồng chăm sóc bắp lai. Ảnh: V.M
Không khí sản xuất đầu xuân ở những khu vực trồng cây màu cũng rất sôi động. Vụ này thời tiết khô hạn, huyện Thuận Bắc chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng các loại cây sử dụng ít nước, từ đó hình thành thêm những khu vưc trồng đậu, hành, rau các loại. Từ sáng sớm, bà con thôn Gò Sạn đã ra đồng, chăm sóc hành, đậu với không khí nhộn nhịp. Anh Lưu Hồng Hải, cho biết: Không khí Tết ở nông thôn hiện nay vẫn còn rộn ràng, nhưng tôi quyết định ra đồng sớm. Đây là vụ đầu tiên tôi chuyển 1 sào đất lúa sang trồng hành, cần được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng, thấy hành xanh tốt nên rất mừng. Ngoài làm cỏ, bón phân, từ nay đến khi thu hoạch khoảng một tháng nữa ngày nào tôi cũng thăm đồng theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh. Ngoài xã Bắc Phong, nông dân ở xã Công Hải, Lợi Hải, Bắc Sơn… cũng đã ra đồng sản xuất đầu xuân với niềm tin có một mùa vụ bội thu…
► Với khí thế đầu xuân phấn khởi, chiều ngày Mùng ba Tết, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân huyện Thuận Nam đồng loạt ra khơi, khởi đầu một năm đánh bắt hải sản mới. Ngư dân xã Phước Diêm và Cà Ná phát hiện luồng cá cơm, cá trích và mực nhỏ nên đạt sản lượng khá cao.
Sau khi tham dự Lễ hội Đua thuyền rồng, ngư dân Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam)
phấn khởi vươn khơi đánh bắt hải sản đầu xuân mới. Ảnh: Văn Miên
Ngư dân Thuận Nam đánh bắt cá cơm đầu năm. Ảnh: Văn Nỷ
Dọc theo bờ kè ven biển của xã Phước Diêm và Cảng mở rộng Cà Ná, các thuyền công suất lớn chở cá đầy khoang, mỗi thuyền khai thác ít nhất cũng được 300 giỏ cá, nhiều nhất 700 giỏ cá. Chị Nguyễn Thị Thanh thu mua hải sản ở thôn Lạc Tân 1 (Phước Diêm) cho biết, không ngờ đầu năm lại có rất nhiều mực. Những ngày cận Tết, giá mực nhỏ dao động từ 100- 110 ngàn đồng/kg vì “khan hàng”, nhu cầu tiêu thụ mạnh, đầu xuân giá giảm chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg, do giá mực nhỏ rẻ nên chị mua về phơi khô… Chị cho biết thêm, cứ 10 kg mực tươi phơi khô còn 3kg, lãi được 100.000 đồng, góp phần tạo thêm thu nhập gia đình. Huyện Thuận Nam có 1.068 tàu thuyền, với tổng công suất 154.869 CV, tập trung chủ yếu ở xã Phước Diêm và Cà Ná. Năm 2014, ngư dân địa phương khai thác được 45.500 tấn hải sản, đạt 103,4 % so với kế hoạch. Trong năm 2015, địa phương phấn đấu nâng sản lượng khai thác hải sản lên 47.000 tấn.
► Nông dân huyện Ninh Hải cũng đã bắt tay vào công việc đồng áng ngay những ngày đầu xuân mới. Là “vựa” hành, tỏi có tiếng của cả tỉnh, hơn một nửa diện tích đã được bà con thu hoạch bán trong dịp Tết và tranh thủ xuống giống để ra giêng chăm sóc. Anh Nguyễn Văn Thịnh, ở thôn Mỹ Tường 2 (xã Nhơn Hải), cho hay: Năm vừa rồi giá hành bấp bênh nhưng bù lại sản lượng đạt khá nên làm ăn cũng có lãi, nhà nông đón Tết phấn khởi. Vui chơi hết 3 ngày Tết, sáng mùng 4 vợ chồng tôi tranh thủ sáng sớm ra đám hành cào cỏ lấy ngày sản xuất trong năm mới Ất Mùi. Trên các vùng trồng nho, lúa và một số hoa màu ngắn ngày của các địa phương Vĩnh Hải, Xuân Hải, Tân Hải… nông dân cũng rộn ràng ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân, hy vọng sự khởi đầu sẽ đem đến một vụ mùa bội thu. Diêm dân các địa phương: Phương Hải, Tri Hải, Khánh Hải… cũng tất bật thu muối lấy “lộc” đầu năm. Tại các bến cảng cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải), Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải), tàu thuyền của ngư dân cũng rộn ràng chuẩn bị chuyến ra khơi vụ cá Nam. Theo kế hoạch năm 2015, huyện duy trì sản lượng khai thác hải sản trên 11.000 tấn, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá, tạo khí thế phấn khởi cho ngư dân địa phương trong năm mới.
Thu hoạch muối đầu xuân mới tại Công ty TNHH Đầm Vua (Ninh Hải).
► Nông dân huyện miền núi Ninh Sơn đã tập trung ra đồng sản xuất với ước mong năm mới nhiều thắng lợi mới. Tại vùng nguyên liệu Ninh Sơn, theo kế hoạch sáng 24 – 2 (tức mồng 6 tết) Công ty Mía đường Phan Rang chính thức phát lệnh thu mua mía trong năm mới, nên tranh thủ những ngày đầu năm bà con đi thăm đồng và thuê công chặt để khi có lệnh phát thì kịp thu theo kế hoạch của nhà máy. Theo anh Thìn, Trưởng phụ trách Trạm nông vụ số 2, thuộc Công ty Mía đường Phan Rang cho biết, theo kế hoạch trong ngày 23 – 2 (tức mồng 5 tết) sẽ phát lệnh cho bà con thu hoạch mía đầu xuân, tuy nhiên để tâm lý người dân phấn khởi trong năm mới nên lệnh thu mua chuyển chính thức sang ngày mồng 6 tết. Hiện diện tích mía Trạm nông vụ số 2 phụ trách thua mua trên địa bàn trọng điểm xã Quảng Sơn đã được khoảng 70%, với gần 77.000 tấn.
Ngay những ngày vui tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi nông dân nhiều xã đang có diện tích cây trồng vào vụ thu hoạch và chăm sóc như: thuốc lá (xã Mỹ Sơn); dưa hấu bán sau tết, lúa vụ đông – xuân (xã Lương Sơn)… bà con cũng phấn khởi ra đồng chăm sóc cây trồng, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch với mong muốn một năm mới nhiều thắng lợi mới.
► Ngày 23-2 (mùng 5 Tết), tuy còn không khí nghỉ Tết theo quy định nhưng tại Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (huyện Ninh Sơn), tinh thần ra quân sản xuất đầu năm rất phấn khởi. Hơn 100 công nhân đã quay lại làm việc.
Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú ra quân sản xuất đầu năm. Ảnh: Hoàng Trung
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Công ty đưa Nhà máy nhuộm vào hoạt động nên cả chuyền may phải hoạt động ba ca theo quy trình của nhà máy. Đến cuối quý I-2015 tiếp tục đầu tư thêm Nhà máy sợi và đến cuối năm sẽ hoàn tất quy trình khép kín khi Nhà máy dệt đi vào hoạt động sản xuất. Dự kiến doanh thu trong năm 2015 ước đạt 600 tỉ đồng, với 10 tấn sản phẩm/ngày và sử dụng 600 công nhân tại địa phương. Sản phẩm khăn lông của Nhà máy sản xuất được xuất khẩu 50% tại thị trường Nhật Bản và 50% tiêu thụ trong nước.
Nhóm PV-CTV