Vấn đề hôm nay:

Để Y đức luôn là phẩm chất cao quý của người Thầy thuốc!

(NTO) Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đối với người thầy thuốc được thể hiện rất rõ trong các bức thư của Người gửi Hội nghị cán bộ y tế vào các năm 1953. Và tại Hội nghị Y tế ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư thể hiện một cách toàn diện hệ thống tư tưởng của Người về y đức. Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu, câu ấy nói rất đúng”, và từ đó, ngày này đã trở thành “Ngày truyền thống Thầy thuốc Việt Nam”.

Đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ nội soi điều trị bướu giáp cho bệnh nhân. Ảnh: Văn Miên

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người thầy thuốc thực hiện lời dạy của Bác Hồ và xứng đáng với sự tôn quý của người dân?.

Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường, có thể nói mọi quan hệ xã hội và đạo đức nghề nghiệp cũng có phần thay đổi. Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ thầy thuốc đã “vô cảm” trước nỗi đau của người bệnh, đi ngược lại y đức, trái với lương tâm, đạo lý, làm "hoen ố" hình ảnh của nghề thầy thuốc cao quý có truyền thống bao đời nay. Điều này làm tổn hại đến danh dự của nhiều thầy thuốc chân chính đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp cao quý này, bởi với họ, không có đức thì không thể làm nghề y. Tuy nhiên, đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong đội ngũ những người làm công tác y tế vẫn có một số rất lớn những cán bộ y tế cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Có không ít y- bác sỹ thức trắng nhiều đêm bên giường bệnh với hy vọng sớm tìm ra căn nguyên của những căn bệnh quái ác, giành lại sự sống từ tay “tử thần” cho bệnh nhân… Căng thẳng, vất vả, nhưng tất cả đều tự nguyện, bởi hơn ai hết họ luôn hiểu rằng, sinh mạng của nhiều người đang đặt trong tay họ.

Nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, do vậy để thực hiện được lời dạy của Bác Hồ kính yêu, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức. Như Danh y Hải Thượng Lãn Ông luôn tâm niệm: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người; phải lo cái lo của con người, vui cái vui của con người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Ông cũng hết sức đề cao y đức: “Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta: lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y”.

Thiết nghĩ, để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, và để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành Y, mỗi thầy thuốc hôm nay cần tiếp tục nêu cao lòng nhân ái, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với bệnh nhân, có như thế mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành Y, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên mặt trận chống bệnh tật và cứu người.