Làm đẹp đường phố
Năm nào cũng vậy, phần nhiều công nhân vệ sinh môi trường đã quen với việc đón giao thừa trên đường phố. Lụi cụi dọn vệ sinh trên đường, chị Vũ Thị Tơ, công nhân vệ sinh môi trường của Công ty TNHH SX-TM-DV Nam Thành vừa đẩy chiếc xe đầy rác về nơi tập kết vừa thổ lộ: Đã nhiều năm đón giao thừa ngoài đường nhưng mỗi khi tới ngày 30 Tết lòng vẫn cứ thấy nôn nao, mong sao công việc trôi nhanh để kịp về đón giao thừa với gia đình. Nhưng kể từ khi làm công việc này, hiếm có năm nào anh em trong tổ chúng tôi về nhà trước giao thừa cả. Biết thế thôi chứ nghề nào nghiệp đấy mà, công nhân vệ sinh môi trường, ai chả phải đón giao thừa ngoài phố. Làm cùng tổ với chị Tơ, anh Nguyễn Anh Tuấn cũng bộc bạch: Ngày thường, khoảng 9 giờ tối là công việc kết thúc nhưng ngày cuối năm, công nhân phải tăng ca, khu vực đường phố thì khoảng 11 đến 12 giờ đêm là hoàn tất, riêng khu vực công cộng người dân tập trung đón giao thừa thì các anh, các chị là những người về nhà muộn nhất.
Phút nghỉ ngơi của những công nhân vệ sinh môi trường trong đêm giao thừa.
Với tâm thế làm việc khẩn trương nhưng các tổ công nhân vệ sinh môi trường vẫn dành những phút giải lao hiếm hoi của ngày cuối năm để cùng chia sẻ niềm vui trước thềm năm mới. Điều đầu tiên họ mong muốn sáng mùng 1 Tết khi mọi người tỉnh dậy thì phố phường đã tinh tươm, sạch đẹp.
Giữ bình yên
Cùng với các chị công nhân vệ sinh môi trường, thì lực lượng bảo vệ dân phố (Dân phòng) ở các địa phương cũng đang căng mình để có một đêm giao thừa an lành cho người dân, nhất là trung tâm Tp.Phan Rang-Tháp Chàm với nhiều sự kiện, lễ hội vui xuân. Anh Nguyễn Đức Hùng thuộc Ban bảo vệ dân phố phường Thanh Sơn (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) túc trực ở khu vực đường hoa cho hay, trong những ngày này, cùng với lực lượng Công an, chúng tôi phải đảm bảo quân số trực Tết để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cho người dân. Dù là đêm giao thừa nhưng mọi người trong đội luôn trong tư thế sẵn sàng để khi có tình huống xấu xảy ra tại chỗ hoặc khu vực lân cận là có mặt ngay. Anh em thay ca ăn cả ngày lẫn đêm từ 25 tháng Chạp. Theo các anh, căng nhất là đêm 30 Tết, vừa chia ca phối hợp tuần tra kiểm soát, vừa thực hiện phân luồng, phân tuyến tránh ùn tắc giao thông, lại vừa phòng ngừa tội phạm cướp giật, móc túi, gây rối trật tự tại một số tuyến đường trọng điểm, khu vực công cộng như công viên, quảng trường, đường hoa, chợ hoa và nhất là điểm bắn pháo hoa đặt tại Quảng trưởng 16 Tháng 4. Khi pháo hoa đã “nở hết”, đám đông người dân chơi giao thừa dần tản ra về thì cũng đã gần sáng, các anh mới ngồi lại bên nhau, cùng cụng ly chúc mừng năm mới. Rồi, ai hết ca thì tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức mà trực tiếp, còn không thì về “xông đất” đầu năm.
Mong “thất nghiệp”!
Chuyện “mất” giao thừa vì cứu bệnh nhân đã không xa lạ với những y, bác sĩ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kíp trực giao thừa năm nay Khoa cấp cứu bố trí 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 hộ lý. Chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ (từ 17 giờ đến 23 giờ), Khoa cấp cứu đã tiếp nhận hơn 150 ca bệnh, trong đó hơn 50% là bệnh nhân chấn thương do tai nạn giao thông.
BS.Quảng Đại Hồng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân nhập viện đêm giao thừa.
Ca bệnh dồn dập, cả kíp trực tập trung cấp cứu bệnh nhân. Khi đã làm thủ tục chuyển khoa điều trị cho hầu hết bệnh nhân, BS.Quảng Đại Hồng, Trưởng khoa Cấp cứu mới có dịp chia sẻ: Giao thừa, Ban giám đốc Bệnh viện tổ chức chúc Tết và mừng tuổi cán bộ, viên chức, người lao động. Ca cấp cứu khá nhiều nên chúng tôi đành cắt cử hộ lý đại diện cả kíp trực lên dự và nhận lì xì về cho mọi người. Nhận được sự quan tâm, động viên của Ban giám đốc, cán bộ, y bác sĩ trong Khoa thêm nỗ lực cứu chữa, chăm sóc cho bệnh nhân. Trước khi dừng câu chuyện với chúng tôi để đón ca cấp cứu mới, BS.Hồng nói vui: Bệnh tật thì chẳng loại trừ ngày Tết, chính vì vậy, bác sĩ cũng đón Tết ở bệnh viện, chúc Tết bệnh nhân của mình. Trong thời khắc giao thừa này, tôi chỉ mong mọi người, mọi nhà đón Tết thật vui, mong rằng sau giao thừa và trong những ngày nghỉ Tết số thanh niên trẻ bớt tụ tập đua xe, phóng nhanh, vượt ẩu…, để sẽ không phải vào Khoa cấp cứu, để trong dịp Tết chúng tôi được… “thất nghiệp” một chút!
Công việc tạm dừng thì giao thừa cũng đã qua, những công nhân vệ sinh, những “chiến sĩ” dân phòng, các y, bác sĩ… đang lặng lẽ góp thêm một mùa xuân vui tươi, an lành đến mọi gia đình.
Diễm My