Tham gia mô hình, có 140 con cừu được triển khai cho 10 hộ nuôi. Theo đó, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua con giống và làm chuồng trại. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cơ quan chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh và cử cán bộ thường xuyên xuống từng hộ theo dõi trong quá trình nuôi.
Ông Lưu Văn Long chăm sóc cừu vỗ béo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mô hình nuôi cừu vỗ béo của các hộ đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, trọng lượng bình quân mỗi con giống ban đầu khoảng từ 10-15 kg, sau hơn 3 tháng vỗ béo, cừu đạt trọng lượng khoảng 30 kg thì xuất bán. Nếu tính theo giá thị trường, mỗi hộ có lãi khoảng từ 10-14 triệu đồng. Ông Lưu Văn Long, thôn Hoài Trung cho biết: Nuôi cừu vỗ béo này không khó, chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật, chăm sóc cẩn thận là cừu tăng trọng nhanh. Thức ăn của cừu rất đơn giản, có thể tận dụng được những thức ăn có sẵn là cỏ, lá nho, táo và cho ăn thêm những thức ăn tinh như cám bột, nước hèm nấu rượu… Trung bình mỗi lứa, gia đình xuất bán khoảng 15 con cừu, sau khi đã trừ chi phí, thu lãi gần 14 triệu đồng.
Ông Thọ Trường Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Qua 2 đợt đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, huyện, thì nuôi cừu vỗ béo mang lại hiệu quả cao hơn so nuôi cừu ngoài mô hình… Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình, bởi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao để người dân thoát nghèo. Từ 10 hộ nuôi cừu vỗ béo ban đầu, đến nay, xã đã có 30 hộ đăng ký nuôi.
Tiến Mạnh