Với diện tích đất nông nghiệp gần 3.120 ha, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn nước sản xuất luôn được chủ động, những năm qua, xã Lương Sơn đã phát huy những lợi thế của địa phương để lựa chọn các hình thức đầu tư sản xuất, nuôi trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Theo đồng chí Đỗ Như Lanh, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phát triển Tam nông xã, chuỗi giá trị mà địa phương định hướng từ khi triển khai Dự án HTTN đến nay chính là lúa, bắp và bò. Trong đó, cây lúa được xem là trọng tâm, bởi đây là loại cây trồng chủ lực của địa phương từ nhiều năm qua. Hiện nay, diện tích lúa của xã lớn nhất huyện, với cơ cấu gieo vụ hằng năm luôn ổn định từ 1.200 ha đến 1.300 ha, năng suất bình quân các vụ đều đạt trên 6,5 tạ/sào. Tuy nhiên, việc kết nối thị trường đầu ra vẫn còn hạn chế, chi phí các khoản đầu tư còn cao nên diện tích lúa chưa được mở rộng so với thực tế ở địa phương.
Mô hình lúa "1 phải 5 giảm" thí điểm thành công tại thôn Tân Lập 2.
Triển khai Dự án HTTN sẽ là cơ sở để Lương Sơn đẩy mạnh phát triển cây lúa. Trên cơ sở định hướng của DASU huyện, hiện nay xã đã thành lập được 1 nhóm trồng lúa gồm 15 thành viên. Các thành viên trong nhóm đều đã được tập huấn kỹ thuật mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm”, mô hình vừa được thí điểm thành công tại thôn Tân Lập 2, với năng suất bình quân đạt gần 7 tạ/sào. Trong vụ thu hoạch đông-xuân sắp tới, chắc chắn nhóm sở thích trồng cây lúa sẽ giảm bớt chi phí về vận chuyển và phí thuê máy gặt. Bởi với sự hỗ trợ của dự án, 2 tuyến đường nội đồng quan trọng phục vụ chuỗi giá trị lúa, bắp, bò tại địa phương gồm: tuyến đường nội đồng thôn Tân Lập 1 và đường nội đồng 39 dọc kênh N3 – Tây đã được nâng cấp sữa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho xe ra vào vận chuyển nông sản. Bên cạnh đó, dự án cũng vừa bàn giao một máy gặt đập liên hợp Kubota DC70 trị giá 600 triệu đồng (dự án hỗ trợ 80% kinh phí, người dân đối ứng 20%) cho nhóm trồng lúa. Với máy gặt này, đến mùa thu hoạch các thành viên sẽ chỉ mất khoảng 50% chi phí so với giá thuê máy gặt của tư nhân.
Đồng chí Đỗ Như Lanh, cho biết thêm: Những hỗ trợ bước đầu từ dự án HTTN chắc chắn sẽ tạo động lực và là cơ sở để địa phương phát huy thế mạnh về cây lúa và các loại cây trồng, vật nuôi khác trong thời gian tới. Riêng trong năm 2015, địa phương đã có kế hoạch triển khai 2 mô hình thí điểm về trồng lúa giống và lúa theo mô hình “1 phải, 5 giảm” ở 2 thôn Tân Lập 1 và Tân Lập 2. Mỗi mô hình quy mô khoảng 30 ha, nếu thành công sẽ là cơ sơ để phát triển lên quy mô cánh đồng mẫu lớn sau này và tạo thương hiệu lúa riêng của Lương Sơn. Bên cạnh đó, Ban phát triển xã cũng đang tập trung tìm mối liên kết thị trường từ các doanh nghiệp để đảm bảo hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cho người trồng lúa, có như vậy mới thu hút người nông dân phát triển mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập kinh tế.
Nguyễn Sơn