Thành lập BTC Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX do Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Nguyễn Thị Doan làm Trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội.
Các Phó trưởng ban Ban Tổ chức Đại hội gồm: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà (Phó Trưởng ban thường trực).
20 Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được; Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung; Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh; Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quang Bền; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Mai Quang Phấn; Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân Phan Huy Hiền; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thành Lương; Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Vương Văn Đỉnh.
Theo Kế hoạch tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Đại hội sẽ được tổ chức vào quý IV năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Việc tổ chức Đại hội nhằm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, biểu dương kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực trong 5 năm qua. Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc; qua đó tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.
Điều chỉnh biên chế công chức cho Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý bổ sung 30 biên chế công chức cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để bố trí cho Cục Viễn thám quốc gia; giảm tương ứng 30 biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ thực hiện việc bổ sung biên chế công chức; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc xét chuyển từ viên chức thành công chức theo quy định.
Không để lọt tội phạm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (138/CP) yêu cầu các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội...
Năm 2014, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, nòng cốt là lực lượng Công an, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Các cấp, các ngành, địa phương đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quyét, phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm; chuyển hóa được nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự thành địa bàn an toàn...
Tuy vậy, tình hình tội phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tình hình sử dụng vũ khí, vật liệu nổ hoạt động phạm tội gia tăng...
Xử lý kịp thời tình hình phức tạp về an ninh, trật tự
Để giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP yêu cầu năm 2015 các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tội phạm; phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, phải tăng cường công tác nắm tình hình, thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo nhanh chóng, chính xác; xử lý kịp thời tình hình phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ, tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tội phạm.
Tập trung chống tội phạm buôn lậu
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm; tăng cường xét xử lưu động để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
Kiên quyết trấn áp các loại tội phạm không để tội phạm hoạt động lộng hành; tập trung rà soát, đấu tranh quyết liệt với các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", đâm thuê, chém mướn, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng, tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người, tập trung hơn nữa chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Mục tiêu của năm 2015 là phấn đấu giảm từ 1 đến 2 số vụ phạm pháp hình sự, trọng án giảm từ 7 đến 10%; nâng tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm đạt trên 75%, trọng án đạt trên 95%.
Thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc ca ở Tây Bắc
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến về việc xây dựng mô hình phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc.
Xét đề nghị của công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nông sản chế biến; ý kiến của các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng mô hình liên kết trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tây Bắc.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến và các tỉnh Tây Bắc triển khai thí điểm xây dựng mô hình trồng cây mắc ca gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ đánh giá để phát triển rộng cho toàn vùng Tây Bắc.
* Hiện nay, nhiều cây lấy hạt ở Việt Nam đã đạt đỉnh cao về kinh tế (như cà phê, hồ tiêu...) lại đang phải đối diện với thách thức do sự già cỗi của các vườn cây. Trong bối cảnh ấy, cây mắc ca nổi lên như một loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao với ưu thế vòng đời lên đến hơn 60 năm. Mắc ca là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cây cà phê, cây điều và lại có thị trường tiêu thụ rất lớn, hiện mức cung không đủ cầu.
Cây mắc ca có xuất xứ từ Úc. Với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “hoàng hậu của các loại hạt”. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem… Dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.
Sau hơn 10 năm đưa vào trồng tại Việt Nam, diện tích mới đạt trên 2000 ha và có khoảng 10 giống mắc ca được đánh giá phù hợp với vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
Kiểm tra tình trạng nghiện ma túy tại Lai Châu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an xác minh, làm rõ nội dung báo chí phản ánh tình trạng nghiện ma túy và đói nghèo tại bản Nậm Củm, tỉnh Lai Châu.
Trong những ngày gần đây, từ ngày 26/1 - 29/1/2015 một số báo đưa tin phản ánh tình trạng nghiện ma túy và đói nghèo tại bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Theo phản ánh, đây là một bản cách trung tâm xã Bum Nưa 7 km. Bản có 26 hộ, 165 nhân khẩu đều là người dân tộc Mảng. Đa số các hộ trong bản đều có người nghiện ma túy; 100% số hộ đều thuộc diện đói nghèo.
Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an xác minh, làm rõ nội dung báo nêu trên, có chỉ đạo kịp thời đối với tỉnh Lai Châu đẩy mạnh hơn nữa việc điều trị Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác xóa đói giảm nghèo nhất là đối với đồng bào vùng sâu, dân tộc thiểu số. Cung cấp thông tin đầy đủ tới cơ quan thông tấn báo chí.
Văn phòng Chính phủ