Thế mà, sức sống trung tâm thành phố hôm nay đã có sự đổi thay rõ nét, nhiều tuyến đường lớn như: Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, đường đôi phía Bắc vào thành phố,... đã được nối dài, mở rộng, không chỉ thuận lợi trong việc đi lại, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Đường ven biển Phú Thọ - Mũi Dinh. Ảnh: Thanh Long
Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ: Thành công lớn nhất trong tiến trình xây dựng giao thông ở tỉnh ta là sự tranh thủ được các nguồn vốn. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, thông qua các nguồn như: Vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, BOT..., tỉnh đã đầu tư trên 3.500 tỷ đồng để xây dựng 50 tuyến đường giao thông các loại. Trong đó, nổi bật là tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná dài 116 km. Đây là tuyến đường giao thông chiến lược đáp ứng cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Bảo đảm quốc phòng-an ninh, mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế và bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ...
Dù còn nhiều hợp phần chưa hoàn thành, nhưng kể từ khi đoạn đường từ Bình Tiên đến Mũi Dinh được thông tuyến, đã có rất nhiều du khách trong và ngoài nước “chinh phục” con đường này bằng nhiều loại phương tiện. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, trước ở Ninh Hải, sau chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống. Trong dịp về quê nghỉ Tết năm nay, anh đã cùng người bạn thân của mình du khảo bằng xe máy để thưởng thức vẻ đẹp của tuyến đường này. Anh chia sẻ: Chưa rõ cuộc sống bà con sung túc thế nào, nhưng chỉ riêng việc đi lại đã thấy sướng rồi. Trước đây từ Ninh Hải muốn sang thăm bà con ở Bình Tiên hay ở các huyện lân cận phải đi đường vòng hết cả nửa ngày, nhưng nay chỉ đánh xe cái vèo đã tới, đường về làng quê hôm nay không còn “nghìn trùng xa cách” như trước nữa.
Thống kê của ngành Giao thông cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2014, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư nâng cấp, mở rộng trên 136 km đường giao thông các loại, với tổng kinh phí trên 224,6 tỷ đồng, nâng tổng chiều dài đường bộ của tỉnh lên gần 1.200 km (trong đó: 3 tuyến QL 1A, QL 27 và QL 27B trên 174 km; 10 tuyến đường tỉnh trên 289,6 km; 25 tuyến đường huyện trên 220 km; 130 tuyến đường đô thị hơn 158 km và các tuyến đường xã trên 341 km, đường chuyên dùng 2,63 km), tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. Đặc biệt, 100% số xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm, đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân trong tỉnh.
Thành quả có được hôm nay, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước, còn phải kể đến những đóng góp không nhỏ của người dân địa phương. Đơn cử như huyện Ninh Phước, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm qua đã bê – tông hóa được trên 1.500 m kênh mương, hơn 8,5 km đường nội đồng, với tổng vốn trên 7,1 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân được 2,6 tỷ đồng. Hay như huyện Bác Ái, dù còn nhiều khó khăn, nhưng xác định việc đầu tư phát triển giao thông phục vụ đắc lực cho xây dựng nông thôn mới, địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các tuyến đường phục vụ sản xuất, như: Đường Chà Là-Núi Rây dài 900m; đường vào vùng sản xuất khu tái định cư xã Phước Thắng dài 1km; đường vào khu sản xuất của xã Phước Tiến trên 1,5km... Đặc biệt, một số xã như: Tân Hải (Ninh Hải) và Phước Vinh (Ninh Phước) cũng vừa được Bộ Giao thông vận tải tặng bằng khen kèm theo 20 tấn xi măng/xã, vì đã có thành tích trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn.
Khi các tuyến đường giao thông trong tỉnh được kết nối, đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi. Dọc theo các tuyến đường, nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi, khai thác- nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện đầy bao hứa hẹn. Một số công trình, dự án du lịch tiềm năng như biển Bình Sơn-Ninh Chử, vịnh Vĩnh Hy, Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa... cũng đang được đánh thức, ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây là bước đột phá lớn, quan trọng, không chỉ góp phần đưa nhiều vùng quê hẻo lánh từng bước chuyển mình, mà còn mang tính chiến lược trong thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Văn Thanh