Qua các lớp đào tạo nghề đã giúp cho nhiều học viên áp dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956, trong năm 2014, huyện Thuận Bắc đã mở 10 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 600 lượt học viên là lao động nông thôn trên địa bàn huyện (100% học viên là đồng bào dân tộc Chăm và Raglai). Các lớp tập trung phổ biến các kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp như: Cách phòng và điều trị bệnh cho dê, cừu, bò; phương pháp ủ thức ăn và nuôi gia súc vỗ béo; trồng và chăm sóc lúa nước; trồng cây chuối lai, bắp lai... Tham gia lớp học, bà con đã trao đổi trực tiếp với cán bộ Khuyến nông về những kinh nghiệm cải tạo đất trồng lúa, các công đoạn canh tác bắp lai, cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng và vật nuôi... Bên cạnh lý thuyết, bà con còn được hướng dẫn thực hành ngoài đồng ruộng để “mắt thấy tai nghe”, từ đó hiểu và áp dụng vào sản xuất.
Anh Thành Văn Quy, thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn cho biết: “Được tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề chuyển giao KHKT cho nông dân, nhờ vậy chúng tôi đã thay đổi cách nghĩ cách làm, học hỏi thêm nhiều kiến thức trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể như trước đây trên diện tích 5 sào lúa nước, gia đình thường sử dụng giống lúa địa phương để canh tác, năng suất chỉ đạt 4-5 tạ/ sào do giống bị thoái hóa. Từ khi tham gia các lớp tập huấn tôi đã biết lựa chọn các giống mới và áp dụng theo quy trình “1 phải 5 giảm” nên vụ nào năng suất lúa cũng đạt 7 tạ/sào. Cùng là học viên tham gia các lớp học tập huấn đào tạo nghề, anh Ta La Ngơ, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải chia sẻ: Tôi đã tham gia lớp tập huấn về nuôi dê, nuôi bò vỗ béo năm 2013, từ những kiến thức học được, tôi đầu tư nuôi 1 con bò và 4 con dê sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, đến nay đàn gia súc của gia đình tôi đã có hơn chục con.
Ông Lê Văn Lanh, Cán bộ phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc cho biết: Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của địa phương và nhu cầu học nghề của bà con, huyện Thuận Bắc phối hợp với các ngành chức năng mở những lớp nghề về đào tạo nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nhận thấy hiệu quả của các lớp học phù hợp với ngành nghề của mình nên bà con tham gia rất đông đủ. Sau khi học xong, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết bà con đều áp dụng vào làm kinh tế gia đình, đồng thời còn truyền đạt kiến thức cho một số hộ khác cùng làm kinh tế hiệu quả.
Bằng những hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với thực tiễn, đặc thù kinh tế- xã hội của địa phương đã giúp người dân Thuận Bắc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng hiệu quả lao động, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Hồng Lâm