Nếu như trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khá khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng, chợ truyền thống… thì nay, theo đánh giá khá lạc quan của ngành chức năng, tại các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các địa phương trong cả nước thì hàng Việt đã chiếm từ 80 đến 90%. Đáng nói là điểm thay đổi khá rõ nét kể từ khi triển khai CVĐ, đó là tâm lý sính hàng ngoại đang dần được đẩy lùi trong phương thức mua sắm, tiêu dùng của số đông người dân. Đơn cử như, giờ đây khi có nhu cầu mua sắm quần áo, người tiêu dùng gần như đã quá quen thuộc với các thương hiệu Việt Tiến, An Phước... bởi chất lượng không thua kém hàng ngoai nhưng giá cả cạnh tranh hơn. Theo một khảo sát mới đây cho thấy, đến nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung đã ngày càng đánh giá cao hàng Việt. Tại nhiều địa phương (trong đó có tỉnh ta), có tới gần 80% người ưa chuộng các mặt hàng dệt may, da giày; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng…
Người dân mua hàng bình ổn giá tại cửa hàng của Chi nhánh Công ty CP Lương thực Nam Trung Bộ Ninh Thuận. Ảnh: Văn Thanh
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của CVĐ, đó là công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể của tỉnh cũng là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc tạo hành lang pháp lý để những sản phẩm hàng Việt được biết đến và “can thiệp” sâu hơn vào đời sống, sản xuất của người dân. Đặc biệt quan trọng để hàng Việt vươn xa, rộng khắp trong toàn tỉnh, đó là sự nỗ lực, thúc đẩy mở rộng mạng lưới phân phối của các DN bằng cách đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Các phiên chợ được tổ chức tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm hiểu nhu cầu mua sắm của nhân dân trên địa bàn các xã, từ đó sản xuất những mặt hàng có chất lượng, có mức giá hợp lý và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thiết lập các đại lý tiêu thụ, kênh phân phối trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền cũng góp phần làm chuyển biến trong nhận thức, xây dựng thói quen sử dụng hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc bằng những hành động thiết thực trong mỗi người, hướng đến lựa chọn hàng nội địa, nhất là những mặt hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như những sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh…Đến nay, đa số người tiêu dùng trên địa bàn khi được hỏi, đều bày tỏ sự hài lòng với chất lượng, giá cả của hàng hóa nội địa. Đáng nói nữa là, người tiêu dùng đã từng bước nói không với hàng kém chất lượng, không còn mặn mà với những loại hàng giá rẻ, hàng trôi nổi như trước đây…
Tuy nhiên, thực tế cần nhận rõ là CVĐ chưa được triển khai sâu rộng và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở; sự phối hợp, gắn kết trong qúa trình triển khai thực hiện CVĐ giữa các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể và các đơn vị kinh tế chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền về CVĐ chưa thực sự đến với nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên sức lan tỏa và hiệu quả của CVĐ còn hạn chế; các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối và bảo vệ người tiêu dùng chưa hoàn thiện, nhất là công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại…
Để CVĐ ngày càng đi vào chiều sâu trong đời sống xã hội, không gì khác hơn là nhận rõ hạn chế để khắc phục; đồng thời người tiêu dùng cần có cái nhìn “thông thái”, DN sản xuất cần cải tiến mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, gắn kết thị trường trong nước…để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đa dạng của người tiêu dùng. Mặt khác, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương. Thiết nghĩ, đây sẽ là những giải pháp để CVĐ đạt được nhiều kết quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Tuấn Dũng