Chân dung
Cứ đến Phan Rang-Ninh Thuận là trong tôi thấy khác lạ. Ở đâu cũng có nắng gió, nhưng sao nắng gió ở đây nó khác hẳn. Không bị núi non điệp trùng như cao nguyên che chắn nên nó hoang lạc, phỉ sức lang thang và không có sự châm chước hay nể nang bất cứ cái gì bên dưới. Mà cái bên dưới đó, ấy là con người và thảo mộc. Qui luật đã chỉ ra, trên trái đất này, khi một xứ sở trở thành nơi sống say đắm của cây xương rồng thì nó đồng nghĩa với tính chất “sa mạc” rồi. Giống loài cây mà lá phải hóa gai để giảm sự thoát hơi nước, để tồn tại. Khác với xứ Nam bộ “phù sa gạo trắng nước trong”, vùng Tây Nguyên với đất bazan hay feralit màu mỡ, thì xứ Ninh Thuận mọc lên trên một mặt đất bạc màu vô tận đó.
Màu xanh trên những cánh đồng.
Đây là trường hợp “đặc ân” của thiên nhiên, hay là sự thách thức cao nhất về ý nghĩa sinh tồn của con người. Kỳ lạ là phía ngoài nó, Khánh Hòa, Phú Yên, trong nó là Bình Thuận, Vũng Tàu, không phải nhận món quà quá khắc nghiệt đó từ thiên nhiên. Cùng một dải lục địa trải dài, nối liền chạy theo ven biển, nhưng có cái gì đó cứ như một “ốc đảo”, ốc đảo về khí hậu và thổ nhưỡng, cùng điều kiện sống… Nó như cây Tagalau kia vậy, chỉ trổ hoa trên miền hoang mạc Panduranga; nho ra trái thơm ngọt ngát trời; củ hành, trái ớt thì kết tinh đủ độ nồng nàn về vị. Xứ sở này vẫn không thiếu màu xanh, với lúa, mía, mì, thuốc lá, chăn nuôi cừu, dê vì người dân sống chủ yếu từ nông nghiệp, mà nhưng sao đi giữa màu xanh ấy ta cứ cảm nhận sự oi nồng mà không thể đón nhận về sự mát lành. Đấy là xứ Phan Rang. Để rồi cô bác dù cũ hay mới khi sống ở xứ này đã tự hào (và tự chia sẻ) về xứ sở của mình là “nắng” như “Rang”, còn “gió” như Phan(g) là vậy.
Nghề dệt thổ cẩm Chăm ở làng Mỹ Nghiệp. Ảnh: Văn Miên
Sức sống
Vì vậy mà nguồn nước là điều quan trọng, cốt tử cho sự sống còn trên xứ sở “sa mạc” này. Khi đứng nhìn đập Nha Trinh trên dòng sông Dinh, làm sao không thán phục vì khả năng kỳ diệu của con người trong sự thích ứng và nương theo thiên nhiên để tìm cách tồn tại. Dòng nước chảy từ miền cao nguyên Langbian xuống, đâm xuyên qua xứ Panduranga. Đây con đập - công trình thủy nông ra đời từ hơn 800 năm trước. 800 năm, công trình thủy lợi vẫn còn “sống”, hoạt động, sừng sững đến giờ. Từ đập nước này, trên trung nguồn con sông Cái người ta đã tạo dựng hai con kinh dẫn nước khổng lồ được gọi “mương Đực” và “mương Cái” đưa nước đi tưới cho những cánh đồng khô cằn mênh mông ở xứ sở, dài 50 và 60 cây số. Nào riêng Đập Nha Trinh, làng gốm cổ xưa Bàu Trúc hình thành hơn bốn, năm thế kỷ trước đến nay vẫn “sống”. Vẫn kiểu làm gốm bằng đôi bàn tay mộc, không cần bàn xoay, đi vòng quanh cục đất sét mà nắn tạo ra vật dụng. Xưa làm vật dụng lu, nồi, vại, chảo đất, nay thì bạt ngàn những sản phẩm, từ đồ gia dụng sinh hoạt truyền thống Chăm đến lọ, bình, vật trang trí cho nhà cửa hiện đại, bán đi khắp các đô thị lớn, ra nước ngoài… Thổ cẩm Chăm vẫn cứ sản xuất ra đều ở làng Mỹ Nghiệp cách không xa làng Bàu Trúc. Gắn bó với Tây Nguyên, tôi biết những dân tộc trên miền cao này ngày xưa từng coi gốm và đồ thổ cẩm Chăm là những đồ vật xa xỉ, quí giá...
Lòng tôi chợt bát ngát khi đi qua những làng quê. Những đàn dê cừu đây đó vẫn tìm cỏ; những cánh đồng vẫn cho hạt lúa chắc gạo từ những dòng nước mát…. Và cho chúng ta cảm nhận về sự hồn hậu, thuận theo thiên nhiên của miền đất nắng gió này.
Nguyễn Hàng Tình