Những ngày đầu xa Tổ quốc, sống ở nước Nga xa xôi, tôi thật sự rất bỡ ngỡ. Chưa quen khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa và con người nước bạn, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc thích ứng và bắt đầu cuộc sống mới. Vì vậy, song song với việc học tiếng Nga, vào những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường tìm hiểu về đất nước, con người nước bạn, về những phong tục tập quán, những thói quen và cách ứng xử thường ngày của người Nga, để có thể nhanh chóng hòa nhập và làm quen với cuộc sống nơi đây. Nhờ vậy mà chúng tôi học được nhiều điều hay và nhiều thói quen tốt từ những người bạn Nga, những điều mà tôi thường gọi là “văn hóa sống”, từ những việc tưởng chừng rất đơn giản như ăn nói nhỏ nhẹ nơi công cộng, đến những việc lớn hơn như văn hóa khi tham gia giao thông,… đều được chúng tôi tiếp thu và áp dụng nhanh chóng. để rồi vào những dịp Tết, những dịp nghỉ hè có cơ hội về thăm gia đình, chúng tôi lại mang những điều hay, những cái tốt đấy kể lại cho bạn bè, người thân với mong muốn sẽ thay đổi được những thói quen chưa tốt mà chúng ta hay mắc phải.
Nhóm du học sinh Việt Nam đang học tại Trường Năng lượng nguyên tử quốc gia MIFI
tham gia ngày Hội văn hóa các dân tộc tại Mát-xcơ-va năm 2014.
Vào những dịp nghỉ, những ngày lễ của người Nga, chúng tôi cũng cùng tham gia vào các hoạt động do trường, do thành phố tổ chức, cùng các bạn Nga đi thăm thầy cô, hoặc cùng nhau đi thăm thú những thành phố khác, những danh lam, thắng cảnh của nước bạn, qua đó mỗi chúng tôi cảm thấy yêu hơn đất nước, con người nơi đây, nơi mà mỗi người chúng tôi đều coi như quê hương thứ hai của mình.
Tiếp thu, học hỏi những điều tốt từ nước bạn, nhưng chúng tôi không quên mình là ai. Khẩu hiệu “hòa nhập nhưng không hòa tan” luôn là tiêu chí hàng đầu của sinh viên chúng tôi. Đến bây giờ, sau hơn bốn năm học tập nơi đây, chúng tôi vẫn giữ được nét riêng của mình, giữ những nét đẹp văn hóa của người phương Đông và mang những nét đẹp ấy đến với nước bạn. Những điệu múa nón, nhảy sạp, những chiếc áo dài, áo tứ thân,… từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong suy nghĩ của những bạn Nga khi nói về Việt Nam. Vào dịp tết cổ truyền của Việt Nam, tôi và bạn bè thường tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, làm củ cải muối, củ kiệu, nem rán (chả ram) cùng những món ăn truyền thống của Việt Nam và mời bạn bè, thầy cô đến chung vui bữa tiệc tất niên. Trong không khí ấy, thầy và trò cùng nhau chuyện trò, ăn uống, chúc nhau những điều tốt lành cho năm mới. Chúng tôi ý thức được rằng những điều mình đang làm hiện tại không chỉ ảnh hưởng đến cách người khác suy nghĩ về riêng cá nhân mình, mà còn ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ về dân tộc, về đất nước và con người Việt Nam. Chính vì thế chúng tôi luôn cố gắng ra sức thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu đạt thành tích tốt nhất để trong mắt bạn bè luôn có những hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam. Bên cạnh đó mỗi khi có dịp, chúng tôi cũng không quên giới thiệu với các bạn Nga nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung về những danh lam, thắng cảnh quê mình, về thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Riêng tôi, một người con của xứ nắng Ninh Thuận, tôi luôn tự hào khi kể với bạn bè mình về những bãi biển hoang sơ đẹp đến ngất ngây của quê mình, những cồn cát, tháp Chăm, những làng nghề và những lễ hội truyền thống đầy màu sắc và thú vị của người Chăm, kèm theo lời mời các bạn hãy thử một lần đến với quê hương chúng tôi để thưởng thức và trải nghiệm những nét đẹp đó với mong muốn Ninh Thuận sẽ vươn lên trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách Nga nói riêng và trong mắt bạn bè quốc tế nói chung.
Chúng tôi, những người con Ninh Thuận, những công dân Việt Nam đang ở xa Tổ quốc luôn mong muốn được góp một phần nhỏ sức lực của mình vào công cuộc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, để cả thế giới biết đến đất nước chúng ta, biết đến lịch sử hào hùng, nền văn hóa lâu đời và những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của con người Việt Nam ta, để mỗi chúng ta sẽ thêm tự hào khi nói với bạn bè năm châu rằng: “Tôi là người Việt Nam!
Nguyễn Hoàng Tuấn
Du học sinh tại Nga